Thứ Năm, 7 tháng 4, 2011

Vũ Trinh với Lan Trì kiến văn lục


Vũ Trinh (1759 - 1828), tự Duy Chu, hiệu Lai Sơn, Nguyên Hanh và Lan Trì Ngư Giả; là nhà văn ở cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19 trong lịch sử văn học Việt Nam.

I. Tiểu sử:
Vũ Trinh là người làng Xuân Lan, huyện Lương Tài, trấn Kinh Bắc (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh).

Xuất thân trong một gia đình quan lại trí thức, ông nội Vũ Trinh là Vũ Hy Nghi đậu Tiến sĩ đời Lê, làm quan đến chức Thượng thư bộ Binh; và cha ông là Vũ Thiều đậu Hương cống (Cử nhân), làm quan đến chức Tham Nghị.

Năm 17 tuổi, Vũ Trinh thi đỗ Hương tiến (Cử nhân), được bổ làm Tri phủ Quốc Oai (nay thuộc Hà Nội).

Năm 1787, sau khi Lê Chiêu Thống lên ngôi vua, ông được triệu về triều. Cũng trong năm này, tướng Tây Sơn là Vũ Văn Nhậm kéo quân ra Bắc Hà đánh dẹp Nguyễn Hữu Chỉnh, khi ấy, Vũ Trinh và cha đã bán hết gia sản để chu cấp việc quân và giúp vua Lê chạy nạn.
Đến cuối năm sau (1788), nhờ quân Thanh (Trung Quốc) vua Lê Chiêu Thống về lại Thăng Long, Vũ Trinh được gọi vào triều giữ chức Tham tri chính sự.

Đầu năm 1789, vua nhà Tây Sơn là Quang Trung đem đại binh ra Bắc đánh tan quân đội nhà Thanh. Vua Lê Chiêu Thống lại phải chạy sang nhà Thanh cầu viện. Không thể theo được, Vũ Trinh trở về ẩn thân tại Hồ Sơn (thuộc Nam Định ngày nay). Tại đây, ông vừa dạy học vừa thu thập tài liệu để viết nên tập truyện Lan Trì kiến văn lục (Chép những truyện thấy và nghe của Lan Trì).

Năm 1802, sau khi nhà Tây Sơn bị đánh đổ, Vũ Trinh được nhà Nguyễn mời ra nhận chức Thị trung học sĩ tại triều (Phú Xuân, tức Huế ngày nay).

Năm 1804, nhân việc đưa hài cốt vua lê Chiêu Thống về nước, ông xin từ quan nhưng không được chấp thuận.

Năm 1807, Vũ Trinh được cử làm Giám thị trường thi Sơn Tây.
Năm 1809, ông được cử đi sứ sang Yên Kinh (Bắc Kinh, Trung Quốc) dâng lễ cống. Trên đường đi, ông viết Sứ Yên thi tập (Tập thơ đi sứ Yên Kinh), nhưng nay đã thất lạc.
Trở về nước, ông nhận lệnh hiệp cùng Tổng trấn Bắc Thành Nguyễn Văn Thành và Trần Hựu soạn bộ Hoàng Việt luật lệ. Biết ông có tài, Tổng trấn Thành cho con là Nguyễn Văn Thuyên theo học ông.

Năm 1813, ông được thăng Hữu tham tri bộ Hình. Cũng trong năm này, ông được cử đi làm Giám thị trường thi Quảng Đức [1].

Năm 1816, có người tố cáo Nguyễn Văn Tuyên làm thơ có ý phản nghịch. Vì là thầy dạy Tuyên, Vũ Trinh bị triệu vào triều. Mặc dù ông cố bênh vực học trò, Tuyên vẫn không khỏi tội. Chẳng những vậy, ông còn bị lột hết phẩm hàm và bị đày vào Quảng Nam.

Sau 12 năm, Vũ Trinh được ân xá, nhưng trở về quê nhà được vài hôm thì mất (1828), thọ 69 tuổi.

Vợ Vũ Trinh là con gái Nguyễn Khản (anh cùng cha khác mẹ với Nguyễn Du).

Tác phẩm của Vũ Trinh, có:
-Lan Trì kiến văn lục (còn gọi là Lan Trì văn lục), gồm 45 truyện viết bằng chữ Hán.
-Sứ Yên thi tập (thơ chữ Hán, đã thất lạc).
-Ngô tộc truy viễn đàn ký, viết về họ Ngô Thì ở làng Tả Thanh Oai.

Tương truyền, ông còn có tập Cung oán thi (Thơ về nỗi oán của người cung nữ). Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Bùi Hạnh Cẩn, thì tác giả tập thơ này là Nguyễn Huy Lượng.

II. Giới thiệu sơ lược Lan Trì kiến văn lục:
Như đã nói trên, sau khi vua Quang Trung đánh tan quân đội nhà Thanh vào đầu năm 1789, Vũ Trinh về ẩn cư tại Hồ Sơn (Nam Định), và làm ra tập truyện Lan Trì kiến văn lục.

Tác phẩm gồm 3 quyển, tổng cộng 45 thiên (truyện), hiện còn bản chép tay tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Hà Nội) mang ký hiệu VHv. 1401.
Đây là một tập truyện truyền kỳ, bao gồm nhiều đề tài khác nhau: chuyện tình giữa nam và nữ, chuyện giáo dục thi cử, chuyện báo ứng luân hồi, chuyện kỳ quái,...Phần lớn chúng được sáng tác trên cơ sở những truyền thuyết lưu hành trong dân gian lúc bấy giờ.

Năm 2004, bản dịch Lan Trì kiến văn lục của Hoàng Văn Lâu đã được nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành.

*
Cũng như Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ, Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án; Lan Trì kiến văn lục tiếp nối dòng truyện truyền kỳ, bắt đầu từ thế kỷ 16 với Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ...Và có thể nói, theo PGS. TS. Nguyễn Đăng Na, thì đây là tác phẩm cuối cùng của loại hình truyền kỳ Việt Nam thời trung đại.

Đề cập đến nét nổi bật của tác phẩm, GS. Nguyễn Huệ Chi viết:
...Bên cạnh những con người hoang dâm, lạm dụng uy quyền (Hầu - Đười ươi), những kẻ giết con (Hiệp hổ - Hổ nghĩa hiệp), giết vợ (Tái sinh - Sống lại)...; là những con người có những phẩm chất cao quý, nhất là ở giới phụ nữ. Một ca kỹ có nhân cách với một tình yêu đầy chủ động (Nguyễn ca kỹ - Ca kỹ họ Nguyễn), một người con gái (con của phú ông) mang mối tình thủy chung nhưng oan trái đến bạc mệnh (Thanh Trì tình trái - Nợ tình ở Thanh Trì), một người đàn bà dệt vải có chồng vẫn khao khát yêu đương (Tái sinh - Sống lại), một thiếu nữ nghèo mắc bệnh nan y vẫn sống hết mình cho tình yêu (Báo Ân tháp - Tháp Báo Ân), v.v...Về những con người này, ngòi bút của tác giả luôn tỏ ra trân trọng, và yêu mến lạ thường…
Nhìn chung, tác giả khá nhạy bén với cái mới. Tình yêu trong truyện của ông thường say đắm, và đôi khi đi tới mức nhục cảm (Báo Ân tháp)...(Từ điển văn học, bộ mới, tr. 2034).

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.
Chú thích:
[1] Dinh Quảng Đức được đặt vào năm Tân Dậu (1801) đời vua Gia Long, gồm ba huyện trước đây thuộc phủ Triệu Phong đó là Hương Trà, Quảng Điền và Phú Vang (theo Đại Nam dư đi chí ước biên do Cao Xuân Dục làm Chủ biên. Bản dịch do nhà xuất bản Văn học ấn hành, 2003, tr. 178).

Sách tham khảo:
-Trần Văn Giáp, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm. Nhà xuất bản khoa học xã hội, 2003.
-Nguyễn Huệ Chi, mục từ “Vũ Trinh” trong Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.
-Nguyễn Đăng Na, Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại (Tập 1). Nhà xuất bản Giáo dục, 1997.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét