Thứ Tư, 27 tháng 4, 2011

Danh thần nhà Nguyễn: Đào Trí Phú

Đào Trí Phú (? - 1854?), trước có tên là Đào Trí Kính, là quan triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam. Khoảng năm 1854, ông bị xử “lăng trì” vì liên can đến việc mưu đoạt ngôi vua của Nguyễn Phúc Hồng Bảo.

Ông sinh tại làng Phước Kiển, thuộc Long Thành, dinh Trấn Biên (nay thuộc xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai).

Cha ông, tên thụy là Hiến Tịnh (không rõ tên thật), làm quan (không rõ dưới triều nào) trải đến chức Trung nghị đại phu Thái bộc tự khanh, mẹ là người họ Lê, từng được phong làm Thục nhân.

Từ nhỏ, Đào Trí Phú là người rất ham học. Năm Minh Mạng thứ 6 (1825), ông thi đỗ Cử nhân tại trường Hương Gia Định. Sau đó, ông đổi tên là Đào Trí Phú, và lần lượt trải các chức quan: Thị lang bộ Hộ, Tham tri bộ Hộ, Hậu mạng sứ...[1]

Năm 1836, tàu nước Ma Ly Căn (tức Hoa Kỳ) đến vũng Sơn Trà (Đà Nẵng), ngỏ ý muốn đệ trình quốc thư xin giao thương. Vua Minh Mạng bèn cử Đào Trí Phú và Thị lang bộ Lại là Lê Bá Tú tới nơi hỏi han. Nhưng vì trưởng phái bộ là Edmund Roberts Robert bất ngờ lâm bệnh nặng, phải cho tàu đi ngay, nên việc trên bất thành.

Đầu năm 1842, vua Thiệu Trị ra Bắc Thành nhận sách phong của nhà Thanh (Trung Quốc), ông được đi theo. Sau đó, ông nhận nhiệm vụ đưa sứ giả nhà Thanh là Bửu Thanh ra cửa ải.

Cuối năm 1843, Đào Trí Phú lại được cử làm Chánh sứ dẫn phái bộ đi công cán ở Giang Lưu Ba (Singapore). Trong đoàn có Cao Bá Quát, vì phạm tội phải đi “hiệu lực”.

Năm 1854, việc mưu đoạt ngôi vua của Nguyễn Phúc Hồng Bảo không thành. Đào Trí Phú, trước đây bị cách (không rõ lý do), bị kết tội cùng phe. Sách Đại Nam thực lục chỉ ghi vắn tắt sự kiện như sau:
Giáp Dần, Tự Đức năm thứ 7 (1854)...An Phong Công là Hồng Bảo mưu khởi nghịch, rồi thắt cổ tự tử ở nơi giam. Con trai, con gái Hồng Bảo và người dự mưu là Tôn Thất Bật đã chết, đều bị tước bỏ tên trong sổ Tôn nhân. Đào Trí Phú trước đây bị cách, phải tội lăng trì. Các phạm nhân đều bị tịch thu gia sản và bắt cả thân thuộc.
Vì vậy, người thân ông phải cải họ trốn đi nơi khác, mãi đến sau này, mới dám lấy lại họ Đào. Theo lời kể còn lưu truyền tại quê hương Đào Trí Phú, thì ông không bị xử "tùng xẻo" (tức lăng trì) ở Huế mà bị giải về xử ở Long Thành rồi chôn luôn tại đó. Sau, con cháu mới lén lấy hài cốt của ông đem về chôn trong khu mộ của dòng họ ở làng Hiệp Phước [2]. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng sau khi việc mưu sự thất bại, ông giả làm dân thường, xin quá giang thuyền nước mắm trốn đi. Hay được, triều đình cho quân đuổi theo giết ông tại Diên Khánh (thuộc Khánh Hòa), rồi thủ tiêu luôn thân xác.

Áo mão cân đai của Đào Trí Phú để lại đều có gắn vàng lá, sau vì nghèo quá, chắt của ông gở bán lần hồi. Trước năm 1975, gặp lúc Bảo tàng Sài Gòn sưu tầm cổ vật, bà Lâm Thị Tô (không rõ lai lịch) đã đem những gì còn lại của di vật giao nộp để lĩnh bạc.

Hiện ở thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai có con đường mang tên Đào Trí Phú.

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.
Sách tham khảo chính:
-Quốc sử quán triều Nguyễn, Quốc triều sử toát yếu. Nhà xuất bản văn học, 2002.
-Lương Văn Lựu, Biên Hòa sử lược toàn biên (Quyển 2). Ty Thông tin Biên Hòa kiểm duyệt và cho phép xuất bản năm 1973.

Chú thích:
1.Lương Văn Lựu, trong Biên Hòa sử lược toàn biên (Quyển 2, tr. 162), kể rằng sau khi quân Pháp đánh phá Đà Nẵng vào tháng 7 năm 1858, vua Tự Đức liền cử Đào Trí Phú vào đấy để lo việc chống ngăn. Đến khi Tổng đốc Nam Nghĩa (Quảng Nam và Quảng Ngãi) là Trần Hoằng để mất đồn bị cách, ông lên thay thế. Tra trong Quốc triều sử toát yếu và Việt Nam sử lược, thì người đó là Đào Trí, chứ không phải là Đào Trí Phú. Vì vậy, thông tin của ông Lựu cung cấp, cần phải tra cứu thêm.
2. Theo thông tin có trong sách Biên Hòa sử lược toàn biên(tr. 164), thì trong ba ngôi mộ còn lại tại khu mộ, không có mộ của Đào Trí Phú.
.

Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2011

Danh sĩ triều Nguyễn: Nguyễn Thuật (1842-1911)


Nguyễn Thuật (1842-1911), trước có tên là Nguyễn Công Nghệ, tự: Hiếu Sinh, hiệu: Hà Đình; là nhà thơ và là danh thần triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam.

I. Thân thế và sự nghiệp:
Nguyễn Thuật sinh ngày 13 tháng 5 năm Nhâm Dần (1842) tại làng Hà Lam, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa, trấn Quảng Nam (nay là thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam).

Ông xuất thân trong một gia đình Nho học, là con trai thứ của ông Nguyễn Đạo và bà Võ Thị Tại.

Thuở nhỏ, ông học tại nhà, sau học tại trường Huấn huyện Thăng Bình và trường Đốc tỉnh Quảng Nam. Năm Tự Đức thứ 20 (1867), Nguyễn Thuật thi đỗ Cử nhân; năm sau, đỗ Phó bảng. Ban đầu, ông được bổ làm Biên tu sung Hàn lâm viện nội các, rồi thăng làm Giáo đạo trường Dưỡng Thiện, dạy các Hoàng tử.

Năm Tự Đức thứ 34 (1881), thăng Nguyễn Thuật hàm Tham tá các vụ, lãnh Bộ Hộ thị lang, rồi nhận lệnh làm Chánh sứ sang Trung Quốc. Đến khi về nước, ông được thăng hàm Tham tri.

Năm Tự Đức thứ 36 (1883), ông lại được cử làm Phó sứ để cùng Chánh sứ Phạm Thận Duật sang Thiên Tân (Trung Quốc) bàn việc hội thương, nhưng không thành công.

Trở về nước, lúc này vua Tự Đức đã băng hà (tháng 7 năm 1883), ông được vua Kiến Phúc bổ làm Tuần vũ Thanh Hóa (1884). Cũng trong năm này, ông được cử làm Chánh chủ khảo kỳ thi Hội.

Tháng 5 năm Ất Dậu (tháng 7 năm 1885), quân Pháp chiếm Kinh thành Huế, vua Hàm Nghi xuất bôn ra Quảng Trị bạn dụ Cần Vương; Nguyễn Thuật xin bãi chức vì người thân của ông tham gia chống Pháp rất đông, nhưng không được triều Đồng Khánh chấp thuận. Sau đó, ông được sung chức Tả trực Tuyên úy, rồi Thượng thư bộ Hộ, Thượng thư bộ Lại, Hiệp Biện Đại học sĩ gia hàm Thái tử Thiếu bảo.

Năm Đồng Khánh thứ hai (1887), ông được cử làm Tổng đốc Thanh Hóa. Kỳ thi Hội năm này, ông cũng được cử làm Chánh chủ khảo.

Năm Thành Thái thứ năm (1893), ông được triệu về kinh nhận hàm Hiệp tá đại học sĩ, tước An Trường tử, lãnh chức Thượng thư bộ Binh, sung Cơ mật viện đại thần.

Năm Thành Thái thứ tám (1896), với cương vị Tổng tài Quốc sử quán, Nguyễn Thuật nhận lệnh hiệp cùng Trương Quang Đản soạn cuốn Sử Quán thư mục.

Năm Thành Thái thứ mười ba (1901), vì bất hòa với Hoàng Cao Khải, và còn vì chống đối việc Nguyễn Thân chém chết mười mấy người thuộc chi đảng của Phan Đình Phùng, nên Nguyễn Thuật xin về hưu, rồi mở trường dạy học tại quê nhà. Kính trọng, người dân địa phương gọi ông là “cụ Thượng Hà Đình”.

Đến khi chính quyền bảo hộ Pháp và Nam triều cho Nguyễn Thân về hưu và cử Hoàng Cao Khải ra Bắc Kỳ, vua Thành Thái liền ban chỉ triệu Nguyễn Thuật và cựu Thượng thư Hồ Lệ vào triều.

Sang đời vua Duy Tân, Nguyễn Thuật lại xin về hưu, rồi tiếp tục dạy học cho đến khi qua đời năm Tân Hợi (1911), thọ 69 tuổi.

Nguyễn Thuật là một quan lớn triều Nguyễn, trải các đời vua Tự Đức, Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân mà gia đình vẫn thanh bạch, đương thời được nhân dân và sĩ phu trọng vọng.

II. Tác phẩm:
Tác phẩm viết bằng chữ Hán của Nguyễn Thuật, có:
■Hà Đình ứng chế thi sao, gồm thơ họa lại thơ vua Tự Đức, hoặc làm theo đề do nhà vua này nêu ra. Ngoài ra, còn có thơ họa đáp bạn bè, vịnh sử, vịnh vật, vịnh cảnh, cảm hoài...
■Hà Đình văn tập, gồm 244 câu đối.
■Hà Đình văn sao, gồm các bài biểu, luận, tự, bi, trướng…
■Mỗi hoài ngâm thảo, quyển chi nhất (quyển I), gồm khoảng 185 bài thơ được làm từ năm 1881, tức khi tác giả nhận mệnh đi sứ sang Trung Quốc lần đầu.
■Mỗi hoài ngâm thảo, quyển chi nhị (quyển II), gồm khoảng 118 bài thơ.
■Vãng sứ Thiên Tân nhựt ký, ghi lại cuộc hành trình sang Thiên Tân năm 1883.
■Trung Triều định lệ, viết về các định chế Trung Quốc và Triều tiên (phụ).
■Khoái thư trích lục (bản chép tay, chưa in), gồm một số câu đối và các tạp bút về văn chương, nghệ thuật,v.v...
■Hà Đình Ứng chế thi sao, gồm 36 bài thơ đáp họa thơ của vua.
■Hà Đình thi thảo trích sao và Hà Đình thi thảo trích sao (tiếp theo), bao gồm khoảng 168 bài thơ xướng họa với các danh sĩ trong và ngoài nước. Trong số này có nhiều bài được vua Tự Đức khen tặng.
Đa số các quyển trên đều được khắc in năm 1910, dưới triều vua Duy Tân.

Phần tác phẩm viết bằng chữ Nôm, ông có 3 bài thơ làm theo thể ca trù.

Ngoài ra, theo chỉ dụ vua, Nguyễn Thuật còn biên tập hoặc tham gia biên tập nhiều tác phẩm của các vua (như: Lê Thánh Tông, Thiệu Trị, Tự Đức, v.v...), của các danh sĩ (như: Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương, Trương Quốc Dụng, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Siêu, Phạm Quý Thích, Vũ Trinh, v.v...) và một số sách khác, như: Sử quán thư mục, Đại Nam danh sơn thắng thủy thi đề tập, Đại Nam cương giới vựng biên, Đại Nam quốc cương vựng biên, Đại Nam Quốc sử tàng thư mục, Tỳ bà quốc âm tân truyện, Thi thảo tạp biên, v.v...

*
Số tác phẩm của Hà Đình (Nguyễn Thuật) rất đa dạng, phong phú không những về lượng mà còn về chất, mỗi khi nhà văn ký thác tâm tư, tình cảm, ngôn chí của mình qua từng trang viết...Ngoài hàng trăm bài thơ văn (khoảng 800 bài, kể cả câu đối), ông cũng có sáng tác một số tranh và thư pháp có giá trị nghệ thuật.
Đó là những đóng góp phong phú của Nguyễn Thuật đối với học thuật, văn hóa Việt Nam vào thời cận đại.

III. Giới thiệu một bài thơ của ông:
Bài thơ sau đây trích trong Mỗi hoài ngâm thảo (quyển II), đã được nhà chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng chọn đăng trong báo Tiếng Dân số 684, nhưng ghi là Vô đề. Căn cứ câu 5 và câu cuối, thì bài thơ được làm sau khi quân Pháp đã đánh chiếm Kinh thành Huế (tức sau tháng 7 năm 1885), và khi này toàn thể Nam Kỳ đã thành thuộc địa của Pháp.

Phiên âm Hán-Việt:
Tức sự I
Phi các nam lâm Thái dịch trì,
Ý sơ diện diện xán pha li.
Hòa giai trú tỉnh toan nghê liệt
Liễu mạch thu thâm yểu niểu trì
Ngọa tháp nhẫn dung tha tộc xử
Hướng ngung hoàng vấn nhất nhân bi!
Thập niên đăng hỏa tiêu trần tận
Hồi thủ Ngưu giang lệ ám thùy.

Dịch nghĩa:
Nói chuyện trước mặt (bài I)
Lầu cao phía nam giáp ao Thái Dịch,[3]
Bốn mặt cửa lồng gương sáng, treo màng the mỏng.
Thềm hoa ban ngày yên tĩnh, hình sư tử bày,
Đường liễu mùa thu muộn, ngựa hay ruổi dong.
Giường ngủ đành để cho người khác giống nằm,
Hướng vào một xó góc mà khóc thử hỏi có ai thương xót!
Công mười năm đèn sách nay đã tiêu mòn hết,
Ngoảnh đầu xa trông Bến Nghé mà nước mắt thầm rơi.

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.
Chú thích:
[1] Ao Thái Dịch trong Kinh thành Huế, ngay phía sau Ngọ Môn.
Sách tham khảo:
■Nguyễn Q. Thắng, Hà Đình Nguyễn Thuật. Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 2005.
■Nguyễn Q. Thắng, Sống đẹp với Hà Đình. Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 2009.

Thứ Năm, 14 tháng 4, 2011

Tỉnh quốc hồn ca của Phan Châu Trinh


Tỉnh quốc hồn ca là tác phẩm của nhà chí sĩ Phan Châu Trinh (1872 - 1926), gồm hai phần (I và II) theo thể thơ song thất lục bát, nhưng ra đời vào hai thời điểm khác nhau trong lịch sử văn học Việt Nam.

I. Tỉnh quốc hồn ca I:
Năm 1906, Phan Chu Trinh đi Nhật Bản trở về, sau đó ông viết Tỉnh quốc hồn ca I. Năm 1907, tác phẩm được phổ biến lần đầu tiên trong các trường kiểu mới ở Quảng Nam và trong trường Đông Kinh nghĩa thục ở Hà Nội, sau đó lan truyền ra nhiều nơi khác.

Bấy giờ, có một số nhà yêu nước cho rằng nhân dân Việt đang ở trong mê mộng: mộng khoa cử, mộng quan trường, mộng xôi thịt,...hoặc nói một cách tượng trưng là hồn nước đã mê, đã lạc...cho nên phải gọi dậy để đi theo con đường tự lập, tự cường.... Vì lẽ đó, Tỉnh quốc hồn ca I và các tác phẩm đồng thời của các nhà chí sĩ khác, như “Đề tỉnh quốc dân ca,, Hải ngoại huyết thư, Á Tế Á ca, Chiêu hồn nước, Hợp quần doanh sinh thuyết”, v.v...đã ra đời nhằm mục đích ấy.

Căn cứ Tây Hồ Phan Chu Trinh di thảo do Lê Ấm (con rể Phan Châu Trinh, chồng bà Phan Thị Châu Liên) xuất bản ở Quy Nhơn năm 1945, thì Tỉnh quốc hồn ca I gồm 472 câu [1] thơ song thất lục bát, xếp vào 12 đoạn.

Trong đoạn đầu, sau khi nêu quá khứ vẻ vang oanh liệt của dân tộc Việt, tiếp đến là chỉ trích lỗi lầm của người trên kẻ dưới đã làm cho nước nhà lụn bại. Từ đó, tác giả đặt vấn đề: phải học tập theo người Âu, người Mỹ (nội dung của 11 đoạn sau).
Theo giáo sư Nguyễn Huệ Chi, tác giả đã so sánh nhiều phương diện về dân khí dân trí của các nước văn minh trên thế giới với dân tình của nước Việt đại để như sau:
1. Trong khi người nước ngoài có chí cao, dám chết vì việc nghĩa, vì lợi dân ích nước; thì người nước mình tham sống sợ chết, chịu kiếp sống nhục nhã đoạ đày.
2. Trong khi người ta dẫu sang hay hèn, nam hay nữ ai cũng lo học lấy một nghề; thì người mình chỉ biết ngồi không ăn bám.
3. Trong khi họ có óc phiêu lưu mạo hiểm, dám đi khắp thế giới mở mang trí óc; thì ta suốt đời chỉ loanh quanh xó bếp, hú hí với vợ con.
4. Trong khi họ có tinh thần đùm bọc, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau; thì ta lại chỉ quen thói giành giật, lừa đảo nhau vì chữ lợi.
5. Trong khi họ biết bỏ vốn lớn, giữ vững chữ tín trong kinh doanh làm cho tiền bạc lưu thông, đất nước ngày càng giàu có; thì ta quen thói bất nhân bất tín, cho vay cắt cổ, ăn quỵt vỗ nợ, để tiền bạc đất đai trở thành vô dụng.
6. Trong khi họ biết tiết kiệm tang lễ, cư xử hợp nghĩa với người chết; thì ta lo làm ma chay cho lớn, đến nỗi nhiều gia đình bán hết ruộng hết trâu.
7. Trong khi họ ra sức cải tiến phát minh, máy móc ngày càng tinh xảo; thì ta đầu óc thủ cựu, ếch ngồi đáy giếng, không có gan đua chen thực nghiệp.
8. Trong khi họ giỏi tổ chức công việc, sắp xếp giờ nghỉ giờ làm hợp lý, thì ta chỉ biết chơi bời, rượu chè cờ bạc, bỏ bê công việc.
9. Trong khi họ biết gắng gỏi tự lực tự cường, tin ở bản thân; thì ta chỉ mê tín nơi mồ mả, tướng số, việc gì cũng cầu trời khấn Phật.
10.Trong khi họ làm việc quan cốt ích nước lợi dân, đúng là “đầy tớ” của dân, được dân tín nhiệm; thì ta lo xoay xở chức quan để no ấm gia đình, vênh vang hoang phí, vơ vét áp bức dân chúng, v.v...

Nhìn chung, tác phẩm cổ vũ một sự cách tân xã hội theo chiều hướng dân chủ tư sản, và đối tượng kêu gọi là tầng lớp trung lưu và thượng lưu lúc bấy giờ. Cùng với các bài hiệu triệu khác, Tỉnh quốc hồn ca I đã góp phần không nhỏ vào công cuộc canh tân tự phát của nhân dân (tức phong trào Duy Tân) vào đầu thế kỷ 20.

II. Tỉnh quốc hồn ca II:
Phan Châu Trinh viết Tỉnh quốc hồn ca II vào khoảng năm 1922 khi đang lưu vong tại Pháp, trong bối cảnh còn nóng nổi những vấn đề thời sự; như việc giải ngũ và hồi hương những người lính mộ ở Đông Dương, cuộc ngự du sang Pháp của vua Khải Định (tháng 5, 1922)...

Buổi đầu tác phẩm chỉ được lưu truyền bằng chép tay, mãi đến năm 1925, tờ Việt Nam hồn mới đăng trọn bài, và sau đó được bí mật gửi về nước. Tháng 1 năm 1927, Tỉnh quốc hồn ca II được tờ Tân Thế kỷ cho đăng, nhưng bị sở Kiệm duyệt lúc bấy giờ cắt bỏ chỉ còn 310 câu.

Theo bản chép tay của bà Phan Thị Châu Liên (con gái Phan Châu Trinh), sau được in trong Thơ văn Phan Bội Châu, thì Tỉnh quốc hồn ca II gồm 480 [2] câu thơ song thất lục bát, được phân thành 5 đoạn, có đại ý như sau:

- Đoạn mở đầu, nhắc lại quá khứ oai hùng của dân tộc Việt, đồng thời phê phán nhà Nguyễn đã nhắm mắt bắt chước luật pháp, khoa cử của nhà Thanh (Trung Quốc), đẻ ra một bộ máy cầm quyền hủ bại dẫn đến nước mất về tay thực dân Pháp.
- Đoạn 2 nhấn mạnh sự hy sinh xương máu và tiền của của người Việt giúp nước Pháp trong Thế chiến I; nhưng lại bị nước Pháp đối đãi tệ bạc, lừa bịp, vắt chanh bỏ vỏ, tăng sưu thuế, giám sát và vơ vét cả khi người Việt đi lính trở về.
- Đoạn 3, công kích thực dân Pháp đầu độc dân Việt bằng thuốc phiện và rượu, đánh nhiều loại thuế vô lý, bắt bớ giam cầm người yêu nước, và cho lưu hành những thứ báo chí vô bổ trong khi cấm đoán sách báo tiến bộ.
- Đoạn 4, ngay ở chính quốc nhà nước Pháp cũng lập những tổ chức đàn áp Việt kiều, bày trò triển lãm, đưa các đoàn đại biểu sang Pháp “đóng tuồng”, làm nhục quốc thể và hoang phí tiền của dân Việt.
- Đoạn cuối, phê phán hạng trí thức người việt chỉ biết “nương hơi dựa bóng” làm cho người ta đi sai đường, lạc lối; và kêu gọi một sự hợp tác Pháp-Việt thực lòng, cũng như một chính sách tự trị cho Việt Nam.
Phần có giá trị lâu dài, là phần phê phán và tố cáo các hạng người trên, chiếm đến 80% chiều dài của tác phẩm.

*
So sánh, nếu "Tỉnh quốc hồn ca I", Phan Châu Trinh có thể dùng lời lẽ bốp chát thoải mái; thì đến "Tỉnh quốc hồn ca II", đối tượng phê phán thay đổi, phải đối thoại trực tiếp với kẻ nắm quyền lực là nhà cầm quyền Pháp, nghệ thuật phê phán của ông cũng thay đổi. Không thể chỉ mặt vạch tên đối tượng bằng cách nói sỗ sàng, ngôn từ thông tục vốn là ưu thế của giọng thơ châm chích của ông được cân nhắc giảm thiểu, những câu chữ góc cạnh bị tước bớt, lời thơ có vẻ chừng mực, chỉn chu hơn. Thế nhưng nhìn cho kỹ, ở hai bài này vẫn giữ được ngữ khí của riêng ông...

III. Trích tác phẩm:
3.1 Tỉnh quốc hồn ca I:
Sau khi nêu quá khứ vẻ vang oanh liệt của dân tộc Việt, tiếp đến là chỉ trích lỗi lầm của người trên kẻ dưới đã làm cho nước nhà lụn bại. Trích giới thiệu một số câu:
...Người khanh tướng kẻ tấn thân [3]
Trăm nghề, hỏi có trong thân nghề nào?
Chẳng qua là quơ quào ba chữ,
May ra rồi ăn xớ [4] của dân.
Khoe khoang rộng áo dài quần,
Tráp giày bệ vệ, rần rần ngựa xe.
Còn bậc dưới ngo ngoe vô kể,
Học cúi luồn kiếm thế vơ quào.
Thầy tư lại, bác kỳ hào,
Gặm xương, mút đũa lao nhao như ruồi.
Lại có kẻ lôi thôi bậc giữa,
Trên lỡ quan, dưới nữa lỡ dân.
Ấy là học sĩ văn nhân,
Ăn sung mặc sướng mà thân không làm.
Người trên đã lam nham như thế,
Những dân ngu sá kể làm chi.
Rượu chè cờ bạc li bì,
Sinh ra trộm cướp, nghề gì mà mong?...
...Người ta chẳng tưởng mơ quyền tước,
Làm quan cốt giúp nước giúp dân.
Những ai khanh tướng công thần,
Ai ai cũng phải lấy dân làm nề.
Nào là kẻ đủ bề tài trí,
Nào là người cả chí kinh luân,
Tiếng khen khắp cả xa gần,
Trong khi tuyển cử thì dân nó bầu.
Chẳng hể phải lòn sau cúi trước,
Cũng chư hề chạy ngược chạy xuôi.
Đến khi được chức lên ngôi,
Dẫu quan quyền nước, thực tôi dân nhà...
...Ấy cũng là một gương tỏ rõ,
Để cho ta thử đọ mà coi.
Người mình không đức không tài,
Ham quan ham tước chen vai cúi đầu.
Cửa quyền môn mai chầu tối chực,
Đua chen nhau rạo rực như sôi.
Cửa tiền cửa hậu lăn vùi,
Cùng ra đến giậu chó chui cũng lòn.
Mình được rồi lo con lo cháu,
Lạ làng thay cái máu tham quan.
...Dân nghèo nước khó mặc lòng,
Cốt mình giữ đặng trong vòng ấm no...
...Nghĩ mình thua sút muôn phần,
Anh em ta phải đua chân mới là.

3.2 Tỉnh quốc hồn ca II:
Tương tự như Tỉnh quốc hồn ca I, sau khi nhắc lại quá khứ oai hùng của dân tộc Việt, tác giả bắt đầu phê phán, trích một số câu:
...Hiềm vì nỗi học hành sai lối,
Thóc vứt đi, rơm bổi quơ về.
Sai lầm từ thuở nhà Lê,
Bước qua nhà Nguyễn sa bê lần lần.
Pháp luật đủ mười phần thao thiết,
Mượn của người [5] chẳng biết nghĩ xa,
Người dùng độc thuốc người ta,
Mình đem về để thuốc bà thuốc con.
Cấm chẳng được hỏi đon việc nước,
Cấm chẳng cho ao ước thở than.
Thi văn ba họ hàm oan,
Công thần như thế ai còn hở môi?
Người cương trực lo lui bước trước,
Lũ nịnh thần lần lượt đầy sân,
Vua tôn như thánh như thần,
Phận tôi rơm rác, thần dân trâu bò...
...Pháp luật thế, học cùng như thế
Mấy trăm năm lưu tệ đến đâu!
Vua ngồi thăm thẳm cung sâu,
Một đời chỉ biết đè đầu dân đen.
Dưới đại thần đua chen tước lộc,
Ngoài trăm quan hì hục thân danh,
Cúi lòn đút lót đủ vành,
Làm quan cốt để rán sành dân ngu.
Thói tham lam nhuộm sâu đến tủy,
Máu ham quan như đĩ ham tiền,
Đua tranh những việc nhãn tiền,
Biết đâu nghĩa vụ, công quyền là đâu!...
...Trên vua đã lờ mờ như ngủ,
Ngày trót đêm vịnh phú ngâm thi,
Bá quan văn võ biết chi,
Trung thành chỉ có lạy qùi mà thôi.
Đánh cũng chết, hòa rồi cũng chết,
Bốn mươi năm gió quét sạch không!
Ông cha gầy dựng non sông,
Mà nay nông nổi, đau lòng xiết bao!
Song những kẻ lo sâu nghĩ kỹ,
Mình xét mình ngẫm nghĩ mà coi:
Nên hư chẳng bởi người ngoài,
Xưa nay thịt thúi, thì giòi mới sinh!
Vậy những nỗi bất bình để đó,
Quyết theo thầy gắng gổ học hành,
Đừng điều yêu chuộng hư danh,
Phải lo việc thực mới thành đặng công...
Sau đó, tác giả mơ ước:

...Ước chánh trị ngày rộng rãi,
Dắt ta theo vào cõi văn minh,
Hiến chương pháp luật ban hành,
Nói năng nghĩ ngợi thỏa tình tự do.
Ước học hành mở cho xứng đáng,
Đừng vẽ hình vẽ dạng cho qua,
Công thương kỹ nghệ chuyên khoa,
Trí tri cách vật cho ta theo cùng,
Cuộc điều dưỡng mở trong dân sự,
Nẻo giao thông tứ xứ sơn lâm,
Làm cho ba tánh yên tâm,
Làm cho kinh tế càng năm càng giàu...

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.
Chú thích:
[1] Theo Huỳnh Lý - Hoàng Ngọc Phách, Thơ văn Phan Châu Trinh, tr. 127.
^ GS. Huỳnh Lý trong Từ điển văn học (bộ mới, tr. 1736) ghi 469 câu. GS. Nguyễn Huệ Chi trong bài "Tỉnh quốc hồn ca và ngữ khí phê phán của Phan Châu Trinh" ghi 467 câu, và cho biết rằng: "rất có thể tác phẩm đã được Đông Kinh nghĩa thục ấn hành, nhưng chưa tìm thấy bản lưu; về sau, khi sang Pháp, Phan Châu Trinh có chép lại, tu chỉnh lại, và thêm một vài phần cuối nhưng chưa xong". Đương thời, Tỉnh quốc hồn ca I chỉ được chép tay và truyền miệng, nên việc sai lệch số câu (và khác một số chữ) là điều khó tránh khỏi.
[2] GS. Nguyễn Huệ Chi ghi khoảng 500 câu.
[3] Tấn: lụa đỏ, thân: cái giải to, cái ống tay áo thụng. Kẻ tấn thân ở đây chỉ người làm sang hay bậc thượng lưu.
[4] Ăn xớ hay ăn xới (tiếng địa phương), có nghĩa ăn bớt trước khi đưa đến tay dân.
[5] Người ở đây chỉ nhà nước phong kiến Trung Quốc.

Tài liệu tham khảo:
-Nguyễn Huệ Chi, bài viết "Tỉnh quốc hồn ca và ngữ khí phê phán của Phan Châu Trinh" (bản điện tử: [2]
-Huỳnh Lý, mục từ "Tỉnh quốc hồn ca" trong Từ điển văn học (bộ mớ). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.
-Huỳnh Lý - Hoàng Ngọc Phách, Thơ văn Phan Châu Trinh. Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1983..

Thứ Năm, 7 tháng 4, 2011

Vũ Trinh với Lan Trì kiến văn lục


Vũ Trinh (1759 - 1828), tự Duy Chu, hiệu Lai Sơn, Nguyên Hanh và Lan Trì Ngư Giả; là nhà văn ở cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19 trong lịch sử văn học Việt Nam.

I. Tiểu sử:
Vũ Trinh là người làng Xuân Lan, huyện Lương Tài, trấn Kinh Bắc (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh).

Xuất thân trong một gia đình quan lại trí thức, ông nội Vũ Trinh là Vũ Hy Nghi đậu Tiến sĩ đời Lê, làm quan đến chức Thượng thư bộ Binh; và cha ông là Vũ Thiều đậu Hương cống (Cử nhân), làm quan đến chức Tham Nghị.

Năm 17 tuổi, Vũ Trinh thi đỗ Hương tiến (Cử nhân), được bổ làm Tri phủ Quốc Oai (nay thuộc Hà Nội).

Năm 1787, sau khi Lê Chiêu Thống lên ngôi vua, ông được triệu về triều. Cũng trong năm này, tướng Tây Sơn là Vũ Văn Nhậm kéo quân ra Bắc Hà đánh dẹp Nguyễn Hữu Chỉnh, khi ấy, Vũ Trinh và cha đã bán hết gia sản để chu cấp việc quân và giúp vua Lê chạy nạn.
Đến cuối năm sau (1788), nhờ quân Thanh (Trung Quốc) vua Lê Chiêu Thống về lại Thăng Long, Vũ Trinh được gọi vào triều giữ chức Tham tri chính sự.

Đầu năm 1789, vua nhà Tây Sơn là Quang Trung đem đại binh ra Bắc đánh tan quân đội nhà Thanh. Vua Lê Chiêu Thống lại phải chạy sang nhà Thanh cầu viện. Không thể theo được, Vũ Trinh trở về ẩn thân tại Hồ Sơn (thuộc Nam Định ngày nay). Tại đây, ông vừa dạy học vừa thu thập tài liệu để viết nên tập truyện Lan Trì kiến văn lục (Chép những truyện thấy và nghe của Lan Trì).

Năm 1802, sau khi nhà Tây Sơn bị đánh đổ, Vũ Trinh được nhà Nguyễn mời ra nhận chức Thị trung học sĩ tại triều (Phú Xuân, tức Huế ngày nay).

Năm 1804, nhân việc đưa hài cốt vua lê Chiêu Thống về nước, ông xin từ quan nhưng không được chấp thuận.

Năm 1807, Vũ Trinh được cử làm Giám thị trường thi Sơn Tây.
Năm 1809, ông được cử đi sứ sang Yên Kinh (Bắc Kinh, Trung Quốc) dâng lễ cống. Trên đường đi, ông viết Sứ Yên thi tập (Tập thơ đi sứ Yên Kinh), nhưng nay đã thất lạc.
Trở về nước, ông nhận lệnh hiệp cùng Tổng trấn Bắc Thành Nguyễn Văn Thành và Trần Hựu soạn bộ Hoàng Việt luật lệ. Biết ông có tài, Tổng trấn Thành cho con là Nguyễn Văn Thuyên theo học ông.

Năm 1813, ông được thăng Hữu tham tri bộ Hình. Cũng trong năm này, ông được cử đi làm Giám thị trường thi Quảng Đức [1].

Năm 1816, có người tố cáo Nguyễn Văn Tuyên làm thơ có ý phản nghịch. Vì là thầy dạy Tuyên, Vũ Trinh bị triệu vào triều. Mặc dù ông cố bênh vực học trò, Tuyên vẫn không khỏi tội. Chẳng những vậy, ông còn bị lột hết phẩm hàm và bị đày vào Quảng Nam.

Sau 12 năm, Vũ Trinh được ân xá, nhưng trở về quê nhà được vài hôm thì mất (1828), thọ 69 tuổi.

Vợ Vũ Trinh là con gái Nguyễn Khản (anh cùng cha khác mẹ với Nguyễn Du).

Tác phẩm của Vũ Trinh, có:
-Lan Trì kiến văn lục (còn gọi là Lan Trì văn lục), gồm 45 truyện viết bằng chữ Hán.
-Sứ Yên thi tập (thơ chữ Hán, đã thất lạc).
-Ngô tộc truy viễn đàn ký, viết về họ Ngô Thì ở làng Tả Thanh Oai.

Tương truyền, ông còn có tập Cung oán thi (Thơ về nỗi oán của người cung nữ). Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Bùi Hạnh Cẩn, thì tác giả tập thơ này là Nguyễn Huy Lượng.

II. Giới thiệu sơ lược Lan Trì kiến văn lục:
Như đã nói trên, sau khi vua Quang Trung đánh tan quân đội nhà Thanh vào đầu năm 1789, Vũ Trinh về ẩn cư tại Hồ Sơn (Nam Định), và làm ra tập truyện Lan Trì kiến văn lục.

Tác phẩm gồm 3 quyển, tổng cộng 45 thiên (truyện), hiện còn bản chép tay tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Hà Nội) mang ký hiệu VHv. 1401.
Đây là một tập truyện truyền kỳ, bao gồm nhiều đề tài khác nhau: chuyện tình giữa nam và nữ, chuyện giáo dục thi cử, chuyện báo ứng luân hồi, chuyện kỳ quái,...Phần lớn chúng được sáng tác trên cơ sở những truyền thuyết lưu hành trong dân gian lúc bấy giờ.

Năm 2004, bản dịch Lan Trì kiến văn lục của Hoàng Văn Lâu đã được nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành.

*
Cũng như Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ, Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án; Lan Trì kiến văn lục tiếp nối dòng truyện truyền kỳ, bắt đầu từ thế kỷ 16 với Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ...Và có thể nói, theo PGS. TS. Nguyễn Đăng Na, thì đây là tác phẩm cuối cùng của loại hình truyền kỳ Việt Nam thời trung đại.

Đề cập đến nét nổi bật của tác phẩm, GS. Nguyễn Huệ Chi viết:
...Bên cạnh những con người hoang dâm, lạm dụng uy quyền (Hầu - Đười ươi), những kẻ giết con (Hiệp hổ - Hổ nghĩa hiệp), giết vợ (Tái sinh - Sống lại)...; là những con người có những phẩm chất cao quý, nhất là ở giới phụ nữ. Một ca kỹ có nhân cách với một tình yêu đầy chủ động (Nguyễn ca kỹ - Ca kỹ họ Nguyễn), một người con gái (con của phú ông) mang mối tình thủy chung nhưng oan trái đến bạc mệnh (Thanh Trì tình trái - Nợ tình ở Thanh Trì), một người đàn bà dệt vải có chồng vẫn khao khát yêu đương (Tái sinh - Sống lại), một thiếu nữ nghèo mắc bệnh nan y vẫn sống hết mình cho tình yêu (Báo Ân tháp - Tháp Báo Ân), v.v...Về những con người này, ngòi bút của tác giả luôn tỏ ra trân trọng, và yêu mến lạ thường…
Nhìn chung, tác giả khá nhạy bén với cái mới. Tình yêu trong truyện của ông thường say đắm, và đôi khi đi tới mức nhục cảm (Báo Ân tháp)...(Từ điển văn học, bộ mới, tr. 2034).

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.
Chú thích:
[1] Dinh Quảng Đức được đặt vào năm Tân Dậu (1801) đời vua Gia Long, gồm ba huyện trước đây thuộc phủ Triệu Phong đó là Hương Trà, Quảng Điền và Phú Vang (theo Đại Nam dư đi chí ước biên do Cao Xuân Dục làm Chủ biên. Bản dịch do nhà xuất bản Văn học ấn hành, 2003, tr. 178).

Sách tham khảo:
-Trần Văn Giáp, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm. Nhà xuất bản khoa học xã hội, 2003.
-Nguyễn Huệ Chi, mục từ “Vũ Trinh” trong Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.
-Nguyễn Đăng Na, Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại (Tập 1). Nhà xuất bản Giáo dục, 1997.