Thứ Sáu, 21 tháng 1, 2011

Nguyễn Thị Lộ và vụ án Lệ Chi Viên

Nguyễn Thị Lộ và vụ án Lệ Chi Viên

Nguyễn Thị Lộ (? [1] - 1442), là vợ thứ của danh thần Nguyễn Trãi và là một nữ quan nhà Lê trong lịch sử Việt Nam. Tên tuổi bà từ lâu đã gắn liền với vụ thảm án Lệ Chi Viên xảy ra vào năm Nhâm Tuất (1442), dẫn đến cái chết của vợ chồng bà và cái án tru di tam tộc cho dòng họ.

I.Cuộc đời:
Nguyễn Thị Lộ sinh tại làng Hải Hồ (sau đổi là làng Hải Triều, tục gọi làng Hới), tổng Thanh Triều, huyện Ngự Thiên, phủ Tân Hưng (nay thuộc xã Tân Lễ, huyệnHưng Hà, tỉnh Thái Bình).

Cha bà là Nguyễn Mỗ, làm nghề thầy thuốc. Nhờ tư chất thông minh, lại được cha cho đi học, nên bà sớm thông hiểu các kinh sách và lại biết làm thơ. Ngoài ra, bà còn nổi tiếng là một người xinh đẹp.

Sau khi cha đi phu bị quân Minh giết chết, bà cùng mẹ tần tảo nuôi dạy các em. Trong một lần lên kinh thành Thăng Long bán chiếu (làng Hới có nghề dệt chiếu nổi tiếng), Nguyễn Thị Lộ đã gặp Nguyễn Trãi, rồi trở thành vợ thứ của vị quan này.
Sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú chép:
Ông (Nguyễn Trãi) lúc nhỏ đi đường gặp nàng ở Vũ Lăng, yêu về tài sắc mới lấy làm vợ (Tập 1, tr. 233).

Lời chép khá mơ hồ, nên đã có những lời đồn đoán về thời điểm Nguyễn Trãi gặp gỡ Nguyễn Thị Lộ, rồi cưới bà về làm vợ thứ. Theo tài liệu Đất và Người Thái Bình trên Cổng thông tin tỉnh Thái Bình, thì trong một lần lên kinh thành bán chiếu bà đã gặp Nguyễn Trãi, rồi trở thành người bạn đời của ông, rồi cùng vào Lam Sơn tụ nghĩa. Tại đây, bà làm thầy dạy con em các thủ lĩnh và là trợ thủ đắc lực cho chồng trong mọi công việc. Tuy nhiên, thông tin này không thấy chép trong sử cũ.

Cuối năm 1427, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng. Sang năm 1428, thủ lĩnh Lê Lợi lên ngôi vua (tức Lê Thái Tổ), thì Nguyễn Trãi được phong tước hầu. Nhưng rồi những mâu thuẫn nội bộ triều đình dẫn đến việc sát hại công thần (Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo), và bản thân Nguyễn Trãi cũng bị bắt giam. Tuy sau đó, ông được tha nhưng không còn được tin dùng như trước.

Năm 1433, vua Lê Thái Tổ mất, thái tử Nguyên Long lên nối ngôi, tức là Lê Thái Tông. Nghe tiếng Nguyễn Thị Lộ, nhà vua cho vời bà vào cung để dạy dỗ cung nữ. Sử thần Phan Huy Chú chép:

Khi ông (Nguyễn Trãi) lo việc nước, những chiếu thư, từ mệnh (Nguyễn Thị Lộ) đều được dự nhuận sắc. Thái Tông nghe tiếng, vời nàng về hầu cho làm Lễ nghi học sĩ (Tập 1, tr. 234).

Ở cương vị mới này, bà đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được sử thần nhà Lê là Vũ Quỳnh khen là: Thị Lộ đã cảm hóa được Lê Thái Tông, thuyết phục vua chăm chỉ đèn sách, lại giúp vua nhiều ý kiến để sửa trị nước... (Việt giám thông khảo, phần Bản kỉ).

Năm 1439, Nguyễn Trãi và bà xin về ẩn ở Côn Sơn, sau khi xảy ra việc mâu thuẫn giữa ông và nhóm hoạn quan Lương Đăng, nhưng đến năm sau thì cả hai lại được nhà vua mời ra giúp việc nước. Năm 1441, trong Đại Việt sử ký toàn thư có chép việc liên quan đến bà. Câu văn ấy như sau:
Mùa thu, tháng 3 năm Tân Dậu (1441)...Bắt giam hạng đàn bà ngỗ nghịch, đó là làm theo kế của Nguyễn Thị Lộ  (Tập 2, tr.354). Nhưng chỉ một năm sau đó (1442), giữa lúc vợ chồng bà đang gánh vác việc nước thì oan án Lệ Chi Viên (Trại Vải)[7] bỗng đổ ập xuống gia đình và dòng tộc của họ.

Theo sử liệu thì vua Lê Thái Tông vốn là người ham sắc, có nhiều vợ, chỉ trong 2 năm sinh liền 4 hoàng tử. Các bà vợ tranh chấp ngôi thái tử cho con mình nên trong triều xảy ra xung đột.
Vua truất Hoàng hậu Dương Thị Bí và ngôi thái tử của con bà là Lê Nghi Dân lên 2 tuổi, lập Nguyễn Thị Anh làm Hoàng hậu và cho con của bà này là Lê Bang Cơ chưa đầy 1 tuổi làm thái tử. Cùng lúc đó một bà vợ khác của vua là Ngô Thị Ngọc Dao lại sắp sinh, Nguyễn Thị Anh sợ đến lượt mẹ con mình bị phế nên tìm cách hại bà Ngọc Dao. Nguyễn Trãi cùng Nguyễn Thị Lộ tìm cách cứu bà Ngọc Dao đem nuôi giấu, sau bà sinh được hoàng tử Tư Thành (tức vua Lê Thánh Tông sau này).

Ngày 4 tháng 8 năm Nhâm Tuất (27 tháng 7 năm 1442), vua Lê Thái Tông đi tuần ở miền Đông, duyệt binh ở thành Chí Linh (Hải Dương). Nguyễn Trãi đón vua ngự ở chùa Côn Sơn, là nơi từng ở của mình.

Rời Côn Sơn để về lại Thăng Long, ngày 4 tháng 8 âm lịch nhà vua và đoàn tùy tùng đến trại vải (Lệ Chi Viên) ở Gia Bình thuộc Bắc Ninh. Theo sử cũ, thì nhà vua đã thức đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng hà. Liền sau đó, Nguyễn Thị Lộ bị triều đình do Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh cầm đầu sai người bắt giam và tra khảo.
Văn thần Phan Huy Chú chép: Kịp khi kết tội, lâm hình. Thị Lộ chạy gieo mình xuống nước (Tập 1, tr. 234). Nhưng theo Nguyễn Cẩm Xuyên, vì chịu không nổi cực hình, Nguyễn Thị Lộ phải khai nhận. Án được thi hành ngay: Nguyễn Thị Lộ bị bỏ vào cũi sắt dìm xuống sông cho chết.

Bị kết tội đồng chủ mưu giết vua, Nguyễn Trãi bị kết án tru di tam tộc. Ông và cả ba họ ông bị xử chém vào ngày 16 tháng 8 năm Nhâm Tuất (19 tháng 9 năm 1442).

II. Quan điểm của các sử gia xưa và nay:
Thời Hậu Lê, sử thần Ngô Sĩ Liên viết:
Ngày 16, giết hành khiển Nguyễn Trãi và vợ là Nguyễn Thị Lộ, bắt tội đến ba họ. Trước đây, Nguyễn Thị Lộ ra vào cung cấm, Thái Tông trông thấy rất ưa, liền cợt nhả với thị. Đến đây, vua đi tuần về miền Đông, đến chơi nhà Trãi rồi bị bạo bệnh mà mất, cho nên Trãi bị tội ấy. Lời bàn: Nữ sắc làm hại người ta quá lắm. Thị Lộ chỉ là một người đàn bà thôi, Thái Tông yêu nó làm thân phải chết, Nguyễn Trãi lấy nó mà cả họ bị diệt, không đề phòng mà được ư? (Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 2, tr. 356).

Quốc sử quán triều Nguyễn chép:
Trước, vợ lẽ của Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ, đẹp người, hay chữ, Vua nghe tiếng, mời đến, phong làm Lễ Nghi học sĩ, ngày đêm hầu cận, nhân đó mà cợt nhả với Nguyễn Thị Lộ. Đến đây, vua đi tuần du phía Đông, xa giá quya về đến Lệ Chi Viên thì Vua mắc chứng sốt rét. Thị Lộ vào hầu suốt đêm. Nhà vua mất. Lời phê: Đời Lê Thái Tông, vua thì buông tuồng, bầy tôi thì chuyên quyền. (Nguyễn) Trãi nếu là người hiền, thì nên sớm liệu rút lui, ẩn náu tung tích để cho danh tiếng được toàn vẹn. Thế mà lại đi đón rước ngự giá, thả lỏng cho người vợ làm việc hoang dâm, vô liêm sỉ. Vậy thì cái vạ tru di cũng là tự (Nguyễn) Trãi chuốc lấy. Như thế sao được gọi là người hiền? (Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 17, tờ 23).

Phan Huy Chú, văn thần thời Nguyễn, cũng đã viết trong sách Lịch triều hiến chương loại chí của mình như sau:
Năm Nhâm Tuất (1442), ông (Nguyễn Trãi) 63 tuổi, vì có vợ tên là Nguyễn Thị Lộ vào hầu vua, dùng chất độc giết vua, triều đình kết án phải giết ba họ...Ông có văn chương mưu lược...làm công thần mở nước thứ nhất. Về già muốn an nhàn, không có ý tham luyến (địa vị), chỉ vì nghiệp báo của yêu nữ cuối cùng lụy đường công danh, bấy giờ ai cũng thương tiếc... (tr. 234)

Gần đây hơn, vẫn có người vẫn tin là giữa vua Lê Thái Tông và Nguyễn Thị Lộ có quan hệ ân ái, rồi nhà vua bị bỏ độc hay bị sốt rét nặng mà chết [2]...

Đề cập đến các đoạn sử trên, GS. Đinh Xuân Lâm viết:
Đối với Nguyễn Thị Lộ thì thái độ của người chép sử ra sao? Rõ ràng đây là một thái độ không khách quan, thiên vị, có dụng ý...[3]

Vì lẽ đó, nhiều cuộc khảo cứu và tọa đàm khoa học đã được tổ chức nhằm minh oan cho bà. Dựa vào những kết quả thu lượm được, một số nhà nghiên cứu, dưới sự chủ biên của nhà giáo Hoàng Ðạo Chúc, đã biên soạn thành cuốn Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ với thảm án Lệ Chi Viên (xuất bản năm 2004). Trong đó, một số nhà khoa học đã chỉ rõ, thủ mưu của vụ thảm án Lệ Chi Viên là Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh, vốn rất căm oán Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ (hai người đã giúp bà phiNgô Thị Ngọc Dao thoát khỏi âm mưu sát hại của bà). Sâu xa hơn, đó còn là sự ghen ghét, đố kỵ của một số không nhỏ quan lại trong triều lúc bấy giờ trước tài năng và tính tình cương trực của Nguyễn Trãi.
Về phần Nguyễn Thị Lộ, các nhà khoa học cũng đã đề xuất rằng:
Cần có sự công khai chiêu tuyết (làm sáng tỏ nỗi oan) cho bà. Chế độ phong kiến cũ đã không làm được việc đó thì ngày nay chúng ta phải làm được việc đó thông qua việc nghiên cứu và biên soạn lịch sử dân tộc một cách trung thực và khoa học. Vì bà cũng là người tài hoa trong văn học, sắc sảo trong chính trị, chu đáo trong ứng xử và thủy chung trong tình nghĩa. Lớn lao hơn, bà còn là người đã dâng trọn cuộc đời phục vụ cho sự bền vững của vương triều Lê và sự phồn vinh của non sông Ðại Việt.[4]

III. Được dân làng lập miếu thờ:
Tháng 7 năm Giáp Thân (1464), Nguyễn Trãi được vua Lê Thánh Tông ban chiếu minh oan. Nhân cơ hội này, dân làng đã lập miếu thờ bà Nguyễn Thị Lộ, nay thuộc thôn Khuyến Lương thuộc phường Trần Phú, Quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.
Ngôi đền nằm cạnh đê sông Hồng, và cách đền thờ Nguyễn Trãi chừng 500m. Trong đền hiện nay có một bức tượng và một tấm tranh vẽ bà. Hằng năm, vào ngày 16 tháng 8 âm lịch dân làng đều tổ chức lễ giỗ trọng thể. Ngoài ra, bà còn được thờ chung với Nguyễn Trãi ở xã Tân Lễ (huyện Đông Hà, tỉnh Thái Bình) và Lệ Chi Viên nơi xảy ra vụ án nổi tiếng.

IV. Giai thoại:
4.1 Bài thơ chiếu gon:
Tương truyền một hôm Nguyễn Trãi gặp một cô gái bán chiếu trẻ đẹp, và ông đã xướng mấy câu thơ ghẹo:
Ả ở nơi nào, bán chiếu gon?
Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn?
Xuân xanh nay độ bao nhiêu tuổi?
Đã có chồng chưa, được mấy con?
Không ngờ cô này cũng làm thơ họa lại:
Thiếp ở Tây Hồ bán chiếu gon,
Cớ chi ông hỏi hết hay còn?
Xuân xanh vừa độ trăng tròn lẻ
Chồng còn chưa có, có chi con!
Nguyễn Trãi yêu sắc, phục tài bèn dò hỏi gia cảnh rồi cưới cô gái ấy (tức Nguyễn Thị Lộ) làm thiếp.
Trong sách Công Dư tiệp ký của Vũ Phương Đề (1679-?) có chép câu chuyện này. Tuy nhiên, đây chỉ là một câu chuyện tương truyền, không thể tra xét được.

4.2 Truyền thuyết rắn báo oán:
Một hôm, cha Nguyễn Trãi là Nguyễn Phi Khanh cho học trò phát cỏ trong vườn để làm chỗ dạy học. Đến đêm, ông nằm mơ thấy một người đàn bà dẫn bầy con dại tới xin thư thả ít hôm, vì bận con mọn nên chưa kịp dọn nhà. Đến khi học trò của ông phát cỏ, đập chết một bầy rắn con, lúc đó ông mới hiểu ra ý nghĩa giấc mơ...Đêm đó, lúc ông đọc sách thì có con rắn bò trên xà nhà nhỏ một giọt máu thấm vào chữ "tộc" ("họ") qua ba lớp giấy ứng với việc gia tộc ông sẽ bị hại đến ba họ. Ngày sau con rắn mẹ hóa ra bà Nguyễn Thị Lộ để làm hại ba đời nhà ông. Đến đời Nguyễn, trong Lịch triều hiến chương loại chí lại có thêm chi tiết: Con rắn thành tinh ngầm mang thù oán, mới đầu thai thành Thị Lộ. Nàng sinh ra dưới sườn có vảy...

Mặc dù câu chuyện được nhiều sách cũ chép đi chép lại, nhưng nhiều người tin rằng nó chỉ nhằm đổ tội cho Nguyễn Thị Lộ, giải thích nguyên nhân tiền định về cái chết của vua Lê Thái Tông và Nguyễn Trãi. Ngoài ra, nội dung truyện cũng chẳng có gì mới mẻ mà chỉ là mô phỏng từ các truyền thuyết xa xưa của Trung Quốc. Ngày nay, truyền thuyết này đã bị bác bỏ.

Bùi Thụy Đào Nguyên, soạn.
Chú thích:
[1]. Ghi theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (tr. 644). Đức Hà ghi bà sinh năm 1400 (Nguyễn Thị Lộ và kỳ án Lệ Chi Viên). GS. Võ Thu Tịnh thì ghi bà sinh năm 1390 (Vụ án Lệ Chi Viên). Nhưng cả hai tác giả đều không cho biết đã căn cứ vào đâu. Tuy nhiên, con số 1400 đáng tin hơn, vì bà phải còn "khá trẻ" mới có cớ để đối phương dựng lên vụ án. Và nếu tin theo đây, thì Nguyễn Thị Lộ mất năm 42 tuổi (Nguyễn Trãi mất năm 62 tuổi. So lại, ông bà lệch nhau khoảng 20 tuổi).

[2]. Trúc Khê tác giả cuốn Nguyễn Trãi (Nxb Tân Dân, Hà Nội, 1940) viết: "Thị Lộ đã được gần vua khá lâu trước cuộc duyệt binh ở Chí Linh. Nàng được vời vào cung giữ việc dạy các cung nhân với chức Lễ nghi học sĩ. Rồi nhà vua đã say mê nàng. Nguyễn Trãi tuy biết việc này nhưng chỉ đành bấm bụng và Thị Lộ cũng không thể có thái độ nào khác là thụ động mối tình vương giả ấy. Nàng được lênh về Côn Sơn để cùng Nguyễn Trãi lo việc đón tiếp sau đó nàng theo giá hoàn cung với nhà vua cùng một lúc". Trong Việt Sử toàn thư, Phạm Văn Sơn cũng đã kể lại rằng: "Ngày 4 tháng 8, ngự đạo về đến huyện Gia Định (nay là Gia Bình, Bắc Ninh), gặp trời tối phải nghỉ lại ở Lệ Chi Viên là một trại trồng vải, xưa kia là chốn ly cung cả các triều Lý, Trần. Đêm hôm ấy, nhành hoa thược dược được thấm nhuần cơn thuỵ vũ, rồi rạng ngày mồng 5, Thị Lộ trong màn ngự nhảy ra kêu thất thanh. Vua Thái tông lạnh dần. Ngự y dùng đủ mọi phương để cứu chữa nhưng vô hiệu.

[3] Đinh Xuân Lâm, Nhân một vụ án, suy nghĩ về trách nhiệm người viết sử. Dẫn lại theo Nguyễn Cẩm Xuyên.
[4] Trích ý kiến của GS. Vũ Khuê và GS. Đinh Xuân Lâm (theo bài Lễ nghi Nguyễn Thị Lộ đăng trên báo Nhân Dân, bản điện tử).

Tài liệu tham khảo:
-Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư (Tập 2). Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1985.
-Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí (Tập 1). Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1992.
-Niên biểu Nguyễn Trãi, in trong Thơ văn Nguyễn Trãi do nhiều người soạn. Nhà xuất bản Giáo dục, 1980. Có tham khảo thêm trang tiểu sử Nguyễn Trãi in trong sách Ngữ văn 10 (tập 2, tr.9).
-Nguyễn Q. Thắng-Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1992.
-Nguyễn Khắc Thuần, Việt sử giai thoại (Tập 5). Nhà xuất bản Giáo dục, 1998.
Nguyễn Thị Lộ


Thứ Năm, 20 tháng 1, 2011

Thi sĩ Bùi Giáng

Bùi Giáng (1926-1998), là nhà thơ, dịch giả và là nhà nghiên cứu văn học của Việt Nam. Các bút danh khác của ông là: Bán Dùi, Bùi Giàng Dúi. Ông nổi tiếng từ năm 1962 với tập thơ Mưa nguồn.

Bùi Giáng sinh ngày 17 tháng 12 năm 1926 tại làng Thanh Châu thuộc xã Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Cha ông là Bùi Thuyên, thuộc đời thứ 16 của dòng họ Bùi ở Quảng Nam. Do người vợ cả qua đời sớm nên ông lấy người vợ kế là bà Huỳnh Thị Kiền. Bùi Giáng là con thứ hai của Bùi Thuyên với Huỳnh Thị Kiền, nhưng là con thứ 5 nếu tính tất cả các anh em. Khi vào Sài Gòn, ông được gọi theo cách gọi miền Nam là Sáu Giáng.

Năm 1933, ông bắt đầu đi học tại trường làng Thanh Châu.

Năm 1936, ông học trường Bảo An (Điện Bàn) với thầy Lê Trí Viễn.

Năm 1939, ông ra Huế học tư tại Trường trung học Thuận Hóa. Trong số thầy dạy ông có Cao Xuân Huy, Hoài Thanh, Đào Duy Anh.

Tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, nhưng sau đó ông cũng kịp đậu bằng Thành chung.

Năm 1949, ông tham gia kháng chiến chống Pháp, làm bộ đội Công binh.

Năm 1950, ông thi đỗ tú tài đặc biệt do Liên khu V tổ chức, được cử tới Hà Tĩnh để tiếp tục học. Từ Quảng Nam phải đi bộ theo đường núi hơn một tháng rưỡi, nhưng khi đến nơi, thì ông quyết định bỏ học để quay ngược trở về quê, để đi chăn bò trên vùng rừng núi Trung Phước.

Năm 1952, ông trở ra Huế thi tú tài 2 ban Văn chương. Thi đỗ, ông vào Sài Gòn ghi danh học Đại học Văn khoa. Tuy nhiên, theo T. Khuê thì “sau khi nhìn danh sách các giáo sư giảng dạy lại, ông quyết định chấm dứt việc học và bắt đầu viết khảo luận, sáng tác, dịch thuật và đi dạy học tại các trường tư thục”.

Năm 1965, nhà ông bị cháy làm mất nhiều bản thảo của ông.

Năm 1969, ông "bắt đầu điên rực rỡ" (chữ của Bùi Giáng). Sau đó, ông "lang thang du hành Lục tỉnh" (chữ của Bùi Giáng), trong đó có Long Xuyên, Châu Đốc...

Năm 1971, ông trở lại sống ở Sài Gòn. Ngày 7 tháng 10 năm 1998), ông mất sau một cơn tai biến mạch máu tại Thành phố Hồ Chí Minh (tức Sài Gòn) sau những năm tháng sống "điên rồ lừng lẫy chết đi sống lại vẻ vang" (chữ của Bùi Giáng).

Theo thống kê chưa đầy đủ, tác phẩm của Bùi Giáng có (tạm phân chia theo thể loại):

1. Tập thơ:
-Mưa nguồn (1962)
-Lá hoa cồn (1963)
-Màu hoa trên ngàn (1963)
-Ngàn thu rớt hột (1963)
-Bài ca quần đảo (1963)
-Sa mạc trường ca (1963)
-Mười hai con mắt (1964)
-Rong rêu (1972)
-Thơ vô tận vui (1987)
-Mùa màng tháng tư (1987)
-Mùi Hương Xuân Sắc (1987)
-Đêm ngắm trăng (1997)
-Thơ Bùi Giáng (Montréal, 1994)
-Thơ Bùi Giáng (California, 1994)…

2. Nhận định:
-Nhận xét về Bà Huyện Thanh Quan
-Nhận xét về Lục Vân Tiên
-Nhận xét về Chinh Phụ Ngâm và Quan Âm Thị Kính.
-Nhận xét về truyện Kiều và truyện Phan Trần.
Tất cả đều được xuất bản năm 1957.

3. Giảng luận:
-Giảng luận về Nguyễn Công Trứ
-Giảng luận về Cung oán ngâm khúc
-Giảng luận về Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu.
-Giảng luận về Phan Bội Châu
-Giảng luận về Chu Mạnh Trinh
-Giảng luận về Tôn Thọ Tường
-Giảng luận về Phan Văn Trị
Tất cả đều được xuất bản năm 1957-1959.

4. Triết học:
-Tư tưởng hiện đại (1962)
-Martin Heidgger và tư tưởng hiện đại I và II (1963)
-Sao gọi là không có triết học Heidgger? (1963)
-Dialoque (viết chung, 1965)

5. Tạp văn:
Các sách xuất bản năm 1969, có:.
-Đi vào cõi thơ
-Thi ca tư tưởng
-Sa mạc phát tiết
-Sương bình nguyên
-Trăng châu thổ
-Mùa xuân trong thi ca.
-Thúy Vân

Các sách xuất bản năm 1970, có:
-Biển Đông xe cát
-Mùa thu trong thi ca.

Các sách xuất bản năm 1971, có:
-Ngày tháng ngao du
-Đường đi trong rừng
-Lời cố quận
-Lễ hội tháng Ba
-Con đường ngã ba-Bước đi của tư tưởng…

6. Sách dịch:
Các sách xuất bản năm 1966, có:
-Trăng Tỳ hải
-Cõi người ta
-Khung cửa hẹp
-Hoa ngõ hạnh
-Othello
Các sách xuất bản năm 1967, có:
-Bạo chúa Caligula
-Ngộ nhận
-Kim kiếm điêu linh

Các sách xuất bản năm 1968, có:
-Con đường phản kháng
-Mùa hè sa mạc
-Kẻ vô luân

Các sách xuất bản năm 1969, có:
-Nhà sư vướng luỵ
-Ophélia Hamlet
-Hòa âm điền dã

Các sách xuất bản năm 1973 và 1974, có:
-Hoàng tử Bé (1973)
-Mùa xuân hương sắc (1974)...

Hiện nay, nhiều tác phẩm của ông đã và đang được tái bản và xuất bản trong và ngoài nước.

*
Trước và sau năm 1975, đã có nhiều bài viết về ông và sự nghiệp văn chương của ông. Ở đây chỉ trích giới thiệu thêm ý kiến của nhà nghiên cứu T. Khuê được in trong Từ điển văn học (bộ mới):
Bùi Giáng viết rất nhiều, nhưng những gì còn lại chính là thơ. Thơ ông, ngay từ thuở đầu đã rong chơi, lãng mạn, tinh nghịch, nhẹ nhàng, hóm hỉnh, luôn là những lời vấn đáp lẩn thẩn về ý nghĩa cuộc đời, về lẽ sinh tồn, về những chuyện phù du, dâu bể, ẩn khuất khía cạnh dục tình khép mở của Hồ Xuân Hương...Từ Nguyễn Du, ông tạo nên một môtip bạc mệnh hiện đại, có màu sắc siêu thực qua tính cách tạo hình, có chất hoang mang của con người bất khả tri về mình, về người khác trong cuộc sinh tồn hiện hữu...
Bùi Giáng đã tái dựng lục bát trong bối cảnh mới của thời đại hiện sinh. Nguồn thơ của ông phát tiết trong khoảng thời gian ngắn, chỉ hai năm 1962-1963 đã có tới 6 tập thơ…Chuyện hạ bút thành thơ của ông được xác định như là một hiện tượng độc đáo…Tuy nhiên bi kịch của Bùi Giáng là ông lập lại chính mình, ngay cả trong thơ, cho nên những hình ảnh đẹp, những tư tưởng tân kỳ, nhiều khi được dùng lại nhiều lần trở thành sáo và vô nghĩa...
Nhưng dù sao chăng nữa, ông cũng đã tạo được một mẫu ngông thời đại, sáng tạo một kiểu say sưa, chán đời của thế kỷ 20, khác với Nguyễn Khuyến trong thế kỷ 19 hoặc Tản Đà ở đầu thế kỷ 20 (tr. 162-163).

Tài liệu tham khảo:
-T Khuê, mục từ Bùi Giáng trong Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.
-Nhiều người viết, Đặc tuyển Thi sĩ Bùi Giáng, tạp chí Thời văn số 19, 1997.

Thứ Ba, 11 tháng 1, 2011

Chí sĩ Nguyễn Háo Vĩnh (1893-1941)

Nguyễn Háo Vĩnh (18931941), hiệu: Hốt Tất Liệt (lấy tên con trai làm hiệu); là nhà báonhà văn và là một doanh nhân Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ 20.
Ông là người có công trong việc chấn hưng ngành xuất bản sách ở Nam Kỳ, và là một trong những tác giả có công giới thiệu tác phẩm văn phương phương Tây với độc giả Việt Nam hồi đầu thế kỷ 20.

*
Nguyễn Háo Vĩnh sinh ngày 19 tháng 12 năm 1893 (Quý Tỵ) tại làng Bình Đức, tỉnh Long Xuyên (nay thuộc phường Bình Đức, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang).
Cha ông là Nguyễn Háo Văn, là một thành viên đắc lực của phong trào Minh Tân, và là một trong số thành viên sáng lập Minh Tân khách sạn ở Mỹ Tho [1].

Thời trẻ, ông Vĩnh học trường Chasseloup-Laubat. (Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn, Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay). Sau khi tốt nghiệp trung học, Nguyễn Háo Vĩnh cùng nhiều học sinh khác được hội Minh Tân cử sang học ở Nhật Bản vào năm 1905.
Trong bài Nguyễn Háo Vĩnh – chiến sĩ phong trào Đông du, tác giả là Phan Lương Minh viết:
Người đầu tiên được hội Minh Tân cử đi học là Nguyễn Háo Vĩnh – một thanh niên nhanh nhẹn, hoạt bát, lại có óc tiến bộ luôn tỏ ra bất khuất trước thực dân.

Tháng 9 năm 1908, theo hiệp ước Pháp-Nhật, nhà cầm quyền Nhật không cho các nhà cách mạng và lưu học sinh người Việt cư trú nữa; vì vậy, Nguyễn Háo Vĩnh được cha đưa sang Hương Cảng (Hồng Kông) học ở trường St. Joseph's College, Hong Kong.
Tốt nghiệp, ông sang Luân Đôn (Anh) để gặp Kỳ Ngoại hầu Cường Để, rồi trở về nước và được Trần Chánh Chiếu giao quyền điều hành xưởng hộp quẹt của Minh Tân công nghệ xã ở Mỹ Tho. Sau, ông còn mở hãng xà bông Con Rồng và làm dầu măng...

Năm 1916, Nguyễn Háo Vĩnh bị bắt tại Hương Cảng khi đang hoạt động cách mạng. Ông bị áp giải về Nam Kỳ, rồi bị toà án thực dân ở Sài Gòn kết án tử hình, nhưng được Tổng thống Pháp ân xá.

Ra tù, ông về sống với cha ở Cần Thơ. Vào khoảng năm 19221923, nhờ Thanh tra chính trị sự vụ tại phủ Toàn quyền là Louis Marty đỡ đầu, Nguyễn Háo Vĩnh về Sài Gòn (cư ngụ ở Gò Vấp) làm báo, làm chủ Nhà in Xưa Nay [2] làm Chủ bút Hoàn cầu tân báo và Nam Kỳ kinh tế báo.
Với bút danh Hốt Tất Liệt, ông từng bút chiến với Phạm Quỳnh, cho rằng ông Quỳnh đã sử dụng chữ Hán quá nhiều trong văn chương Quốc ngữ, và đả kích Lê Hoằng Mưu vì viết “dâm thư” Hà Hương phong nguyệt [3] trên Nam Kỳ kinh tế báo.


Nguyễn Háo Vĩnh mất ngày 11 tháng 8 năm 1941 (Tân Tỵ) tại Gò Vấp (Gia Định), lúc 48 tuổi. Ông được liệm và chôn cất theo nghi thức của đạo Cao Đài Chiếu Minh Tam Thanh. Mộ phần hình lục giác có dạng cái tháp tại đàn Trước Tiết Tàng Thơ ở Thủ Thiêm, Thủ Đức (phường An Khánh, quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay).
Em ruột ông là Nguyễn Háo Đàng cũng là một nhân vật chống Pháp có tiếng ở Sài Gòn.

Các tác phẩm của Nguyễn Háo Vĩnh:
Trình bày tóm lược 4 vở kịch của W. Shakespeare (1926), gồm:
  • Chú lái buôn thành Venice
  • Thái tử Hamlet
  • Roméo Juliet
  • Vậy thì vậy (Asyon like)
Các thể loại khác:
  • Chuyện vạn quốc (1924)
  • Anh hùng hào kiệt của thành Roma ngày xưa (1928): Giới thiệu các chí sĩ cách mạng hồi thế kỷ 19 của nước Italia (Ý).
  • Càn khôn Lý học sơ giải (Giải thích sơ lược lý học về trời đất)
  • Đại Nam Quốc sử diễn ca: Phiên âm chú giải thiên sử ca của Phan Đình ToáiLê Ngô Cát ra chữ Quốc ngữ.
  • Cách vật trí tri I, II (1918): Đây là một cuốn khoa học thường thức phổ thông viết bằng chữ Quốc ngữ có lẽ sớm nhất trong loại sách giáo khoa trong nhà trường khi chữ Quốc ngữ dùng trong các trường tiểu học. Sách được giải thưởng của Hội Khuyến học Nam Kỳ năm 1922.
Theo lời ghi ở đầu sách, thì đây là một công trình khó nhọc và tâm huyết của ông. Lời ấy như sau: :Lời kính dưng cho dân Annam, cho trẻ con Annam những công trình khó nhọc của một người Annam. Và trong Lời nói đầu, tác giả cũng đã nhấn mạnh rằng:
Nói tắt một điều: từ khi mới biết đọc chữ Quốc ngữ cho tới khi tốt nghiệp tiểu học, trẻ con bất luận là trai hay gái, đều học được sự hữu ích luôn luôn. Này! Những người lão thành cũng sẽ thấy trong bộ sách này những điều có ích đáng coi.
Lòng ta quyết dạy bảo trẻ con và mở mang dân trí nên mới có bộ sách này ra. Ấy vậy, mấy thầy giáo, mấy cô giáo và những người có lòng thương con em An Nam cùng những người có chí mở mang dân trí hãy lấy lòng rộng rãi hiệp sức cùng ta mà rải bộ sách rất nên có ích này khắp mọi nơi có người Annam ta ở. Ấy là một cái công đức rất nên to tát đối với quốc dân.


Chú thích:
[1] Về sau, khi Trần Chánh Chiếu, người đứng đầu hội Minh Tân bị nhà cầm quyền thực dân Pháp cầm tù, thì ông Văn cũng bị họ cho bãi chức thư ký hạng nhất vào ngày 19 tháng 4 năm 1909 vì có liên can. Ba ngày sau, Tri phủ Nguyễn Công Luận ở Sa Đéc, Tri phủ Huỳnh Công Bền ở Cai Lậy, Tri huyện Phạm Văn Bảy ở chợ Mỹ Tho cũng đều bị sa thải vì tội danh này (Sơn NamLịch sử khẩn hoang miền Nam, phần Cuộc tranh đấu của trí thức Cần Thơ, tr. 276- 277).
[2] Nhà in Xưa Nay ở nhà số 62-64 boulevard Bonard, sau đổi thành đại lộ Lê Lợi cho đến nay. Năm 1945, ông Hoàng Minh Chánh (tức Đỗ Ngọc Quang) đã dời máy móc vào chiến khu để in sách báo cho kháng chiến (Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, tr. 530).
[3] Tiểu thuyết Hà Hương phong nguyệt của Lê Hoằng Mưu được in thành sách, nhưng bị Nguyễn Háo Vĩnh ở báo Nam Kỳ kinh tế công kích dữ dội, cho nên vừa in xong gần 10.000 bản, chưa kịp phát hành thì bị tịch thu và đốt sách. Theo báo Trung Bắc Chủ nhật số 53, ra ngày 23 tháng 3 năm 1941.

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.
Tài liệu tham khảo:
  • Nguyễn Q. Thắng - Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế Giới, 2004.
  • Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Bá Thế - Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (mục từ Nguyễn Háo Vĩnh, tr. 530). Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1992.
  • Sơn Nam - Lịch sử khẩn hoang miền Nam. Nhà xuất bản Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 1994.
  • Phan Lương Minh - Nguyễn Háo Vĩnh, chiến sĩ phong trào Đông Du miền Nam (bản điện tử) [1].
Ảnh, từ trái sang: Trương Duy Toản và Nguyễn Háo Vĩnh.Nguyễn Háo Vĩnh 

Chủ Nhật, 9 tháng 1, 2011

Thương về Thường Thạnh (thơ)

Thương về Thường Thạnh 

Những lúc lòng như ngõ hẹp 
Tôi thường mơ đến quê xưa 
Với những đồng mênh mông biếc, 
Quít hồng trĩu ngọt đong đưa 


Nơi đó - chuông chùa khoan nhặt 
Lam chiều vương ngọn cau thưa 
Như luyến mảnh đời bấn chật, 
Không quen chuốt ngót, dối lừa. 


Nơi đó - mẹ cha lầm lụi 
Lưng cong cho trái sai mùa 
Chị vẫn khua đều bước mỏi, 
Mắt quầng lấm tấm dấu mưa. 


Nơi đó - dù đang quy hoạch
Xẻ chia, đào lấp bộn bề.
Có nghĩa những gì cũ rách,
Tha hồ bồng chống nhau đi
… 


Bùi Thụy Đào Nguyên
 

Nhà văn, nhà soạn tuồng Trương Duy Toản

Trương Duy Toản (1885-1957), tự: Mạnh Tự, bút hiệu: Đổng Hổ, là một nhà vănnhà báo, nhà soạn tuồng, nhà cách mạng Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ 20.
I. Tiểu sử:
Ông sinh năm Ất Dậu (1885) tại huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Thuở nhỏ, ông học chữ Hán, sau chuyển sang học chữ Quốc ngữ và Pháp ngữ ở Sài Gòn.
Năm 1905, ông ra trường làm Kinh lịch tại văn phòng tòa Khâm sứ Nam Vang (Campuchia).
Năm 1907, ông đổi về Sài Gòn. Tại đây, ông tham gia Hội Minh Tân do nhà văn Trần Chánh Chiếu đứng đầu.
Để cổ động mọi người hưởng ứng phong trào Minh Tân, đồng thời phản đối việc chính quyền thực dân truất phế vua Thành Thái, ông viết một bài ca theo điệu “tứ đại cảnh” rồi cho đăng trên báo Lục tỉnh tân văn số 24 ra ngày 30 tháng 4 năm 1908.
Sau đó, ông sang Nhật Bản hoạt động trong phong trào Đông Du, làm thư ký cho hai nhà cách mạng là Phan Bội Châu và Kỳ Ngoại hầu Cường Để.
Tháng 9 năm 1908, để làm tan rã phong trào này, Pháp ký hiệp ước với Nhật Bản. Theo đó, Nhật Bản sẽ không cho các nhà cách mạng và lưu học sinh Việt Nam ở đất nước của họ nữa. Do đó, một số phải sang Trung Quốc, một số phải trở về nước, trong đó có Trương Duy Toản.
Năm 1910, ông cho xuất bản quyển tiểu thuyết Phan Yên ngoại sử tiết phụ gian truân và gây được tiếng vang. Theo GS. Nguyễn Huệ Chi, ông viết truyện này trong khoảng thời gian ông đang là một thành viên nồng cốt của Việt Nam Quang phục hội ở Nam Kỳ (tr. 1858).
Năm 1913, Trương Duy Toản bí mật đến Thượng Hải tìm gặp Cường Để. Gặp lúc nhà cách mạng này đang gấp rút khởi hành sang Châu Âu để vừa tránh bị cảnh sát Hương Cảng khủng bố, vừa để tìm gặp các nhà yêu nước ở bên ấy, Trương Duy Toản bèn đi theo để làm thông dịch viên [2].
Đến Pari, Trương Duy Toản nhận sứ mệnh gặp Phan Châu Trinh, nhờ đưa thư Cường Để lên chính phủ Pháp phê phán chính sách thuộc địa ở Đông Dương. Theo GS. Nguyễn Huệ Chi, thì khi Trương Duy Toản ở đây, nhờ tiếp xúc vớiToàn quyền Đông Dương Albert Sarraut (vừa từ Sài Gòn về Pháp để gặp Cường Để) mà biết được ý định của Pháp là muốn bắt giữ Cường Để, nên vị hoàng thân này đã kịp trốn về Trung Quốc, chỉ có ông Toản và Đỗ Văn Y thì bị Pháp bắt được, đưa đi quản thúc tại Pyrénées, rồi giam vào ngục Santé Prison de la Sant. Khoảng năm 1916, Trương Duy Toản bị trục xuất về nước, rồi bị nhà cầm quyền Nam Kỳ đưa xuống an trí ở làng Nhơn Ái, huyện Phong Điền, tỉnh Cần Thơ.
Trong những ngày bị quản chế, ông sáng tác các bài ca cho ban nhạc tài tử Ái Nghĩa để ca trong các thôn xóm. Nghe tiếng ông, nhóm Sa Đéc–Amis của ông bầu Trần Văn Thận (André Thận) có nhờ ông soạn các bài liên ca như "Bùi Kiệm thi rớt trở về", "Kim Kiều hạnh ngộ" phổ theo điệu tứ đại oán để trình diễn. Đấy chính là các bài ca ra bộ (tức là lối kể chuyện bằng lời ca có kèm điệu bộ để minh hoạ nội dung) ra đời năm 1917.
Được người dân ưa thích, ông tiến thêm một bước nữa là soạn hẳn thành vở cải lương, đó là ba vở: Lục Vân TiênKim Vân Kiều (hồi 1) và Lưu Yến Ngọc cứu cha đại hiếu; trong đó “vở Kim Vân Kiều là vở ăn khách nhất của gánh thầy Năm Tú” (lời của nghệ sĩ Ba Vân).
Thấy đối phương đã ít theo dõi mình, lại được sự giúp đỡ của Trần Chánh Chiếu và Nguyễn Văn Của (một ông chủ nhà in được nhà cầm quyền Pháp nể trọng), Trương Duy Toản bèn trở lại nghề báo.
Năm 1919, Trương Duy Toản viết cho tờ Thời vụ báo ở Sài Gòn. Năm 1924, ông làm chủ bút tờ Trung Lập (đồng thời giữ mục “Thiên hạ đồn” được nhiều người đọc) cho đến 1933.
Năm 1930, ông viết cho tờ Sài Thành. Sau khi tờ này bị đóng cửa, năm 1936, ông chủ trương tờ Dân quyền (do Cendsieux đứng tên xin thành lập), nhưng rồi bị tịch thu ngay từ số đầu vì có bài vận động cho Đông Dương đạị hội.
Những năm kháng chiến chống Pháp (1946-1954), ông sống tại Sài Gòn với nghề làm báo. Năm 1955, ông viết một hồi ký Phong trào cách mạng trong Nam Kỳ (đăng liên tiếp trên tuần báo Tiến thủ của Lê Văn Thử với bút hiệuĐổng Hổ). Đây là tác phẩm cuối cùng của ông.
Cuối đời, ông về an dưỡng ở khu Thanh Đa (Sài Gòn). Năm 1957, Trương Duy Toản mất, thọ 72 tuổi, được đưa về an táng tại quê nhà (Tam BìnhVĩnh Long).
II. Tác phẩm:
Về văn, các tác phẩm chính của Trương Duy Toản, có:
-Phan Yên ngoại sử tiết phụ gian truân (tiểu thuyết lịch sử viết theo lối chương hồi, F.H.Schneider xuất bản, Sài Gòn, 1910). Theo Nguyễn Huệ Chi thì cốt truyện ly kỳ nhưng cách kể quá vắn tắt, nhiều chỗ còn sáo và biền ngẫu[5]. Tuy nhiên, tác giả cũng đã gửi gắm được lòng yêu nước và ý chí khôi phục lại độc lập cho đất nước của mình (nhận xét của Đoàn Lê Giang).
-Truyện Đơn Hùng Tín An Nam tục kêu Ba Tính (truyện. Nhà in Xưa Nay, Sài Gòn, 1925). Theo Bằng Giang thì ở đây ông đã dựng lại chân dung của một đại ca phản phất hình ảnh của nhóm anh hùng Lương Sơn Bạc trong truyện Thủy Hử[6].
-Phong trào cách mạng trong Nam (hồi ký, 1956).
Về tuồng, có:
-Kim Vân Kiều (tuồng).
-Lục Vân Tiên (tuồng).
-Trang Châu mộng hồ điệp (tuồng).
-Lưu Yến Ngọc cứu cha đại hiếu (tuồng, đã diễn rồi in thành sách năm 1930).
-Hạnh Nguyên cống Hồ
-Trang Tử cổ bồn ca
Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu
Chú thích:
[1] Trương Duy Toản (giỏi tiếng Pháp). Cùng đi theo có Đỗ Văn Y (giỏi tiếng Đức) và Lâm Tỷ (giỏi tiếng Anh).
[2] Theo Từ điển văn học (bộ mới, tr. 1858). Tuy nhiên, theo Đoàn Lê Giang thì: "Trương Duy Toản đến bắt liên lạc với Phan Chu Trinh...nhưng vừa ra khỏi nhà cụ Phan, thì ông bị mật thám bắt, giải về Sài Gòn, bị tù đến năm 1917 mới được thả (theo bài viết ghi ở mục tài liệu tham khảo).
Tài liệu tham khảo:
-Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1992.
-Trương Duy Toản trong Từ điển bách khoa toàn thư.
-Nguyễn Xuân Hoanh, Nhân vật chí Vĩnh Long.
-Đoàn Lê Giang, Các chiến sĩ Đông Du Nam Kỳ hoạt động ở Nhật Bản, đoạn nói về Trương Duy Toản. Tham luận đọc tại Hội thảo quốc tế “Nhật Bản và tiểu vùng MeKong” do Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân vănThành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 20-30 tháng 10 năm 2010.