Thứ Năm, 10 tháng 3, 2011

Lĩnh Nam chích quái

                                                             
Lĩnh Nam chích quái (chữ Hán: 嶺南摭怪; có nghĩa là "Chọn lựa những chuyện quái dị ở đất Lĩnh Nam [1]". Có sách chép là Lĩnh Nam ‘trích’ quái [2]), là một tập hợp các truyền thuyết và cổ tích dân gian Việt Nam được biên soạn vào khoảng cuối đời nhà Trần.

 I. Tác giả:
Tương truyền Trần Thế Pháp (? - ?), một danh sĩ đời nhà Trần, là tác giả bộ sách Lĩnh Nam chích quái. Thông tin này đã được ghi trong các sách: Vịnh sử thi tập của Đặng Minh Khiêm [3], Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn và Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú.

Tiến sĩ Vũ Quỳnh [4], trong bài Tựa của ông, cho biết ông đã tìm được sách Lĩnh Nam chích quái và tiến hành nhuận chính [5]vào năm Hồng Đức thứ 23 (Nhâm Tý, 1492). Tuy nhiên, trong bài Tựa không có câu nào nói về tác giả.

Cùng thời gian đó, tiến sĩ Kiều Phú (1447-?) [5]cũng nhuận chính cho sách, có điều là mức độ sửa chữa theo quan điểm của ông nhiều hơn, so với bản của Vũ Quỳnh. Việc làm này đã được ông nói rõ trong bài Hậu tự đề năm Hồng Đức thứ 24 (Quý Sửu, 1493). Tuy nhiên, trong bài cũng không có câu nào nói về tác giả.

Có tài liệu [6] nói Vũ Quỳnh và Kiều Phú cùng hợp tác để làm việc nhuận chính, nhưng xem hai bài Tựa của hai người thì không thấy nói gì đến sự cộng tác đó.

Sau đó (có lẽ khoảng năm 1679), một người khác là Nguyễn Nam Kim đã làm thêm phần Tục biên gồm 4 truyện.

Năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749), Vũ Đình Quyền phụng chỉ soạn thêm 2 truyện.

Năm Cảnh Hưng thứ 18 (1757), Vũ Khâm Lân cũng có tham gia soạn thêm, vì ở truyện Trành quỷ hiển linh truyện có chua rõ là do Vũ Khâm Lân ghi lại.

Đến đời nhà Mạc, có một nho sinh tên là Đoàn Vĩnh Phúc (từng làm việc ở Cục tú lâm, thuộc Viện hàn lâm) cũng tham gia bổ sung cho bộ sách, bằng cách cắt xén ở sách Việt điện u linh tập chép thêm vào phần sau.

II. Văn bản:
Tóm tắt đặc điểm 4 bản Lĩnh Nam chích quái hiện có ở Thư viện Khoa học Xã hội (Hà Nội):

-Bản A. 33: Là bản chính đã dùng để phiên dịch sách Lĩnh Nam chích quái xuất bản năm 1960 [7]. Bản này chép lại từ một bản cũ đề năm Chính Hòa thứ 18 (1697), có 2 quyển, gồm 22 truyện. Ghi các tên người: Trần Thế Pháp (biên tập), Vũ Quỳnh (hiệu đính), Kiều Phú (san dịch).

-Bản A. 1200: Theo mục lục có 45 truyện, nhưng thiếu mất 10 truyện (từ truyện Lý Phục Man [truyện 35] đến truyện Huyền Quang [truyện 45]).

-Bản A. 1300: Mất hẳn phần đầu sách, chỉ còn từ nửa đầu truyện Kim Quy (truyện 13). Bản này có mấy đặc điểm:
-Sách có 3 quyển, chứ không phải 2 quyển như các bản khác. Trong sách có bài Hậu tự của Kiều Phú đề năm Quý Sửu niên hiệu Hồng Đức thứ 24 (1493).
-Sau Mục lục, có dòng chua rõ phần Tục bổ (4 truyện) là của Nguyễn Nam Kim.
-Ở phần Tăng bổ có 2 truyện ghi tên tác giả là Vũ Đình Quyền phụng chỉ vua Lê Hiển Tông làm năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749).
-Ở phần Tục bổ, nơi truyện Trành quỷ hiển linh truyện có chua rõ là do Vũ Khâm Lân ghi lại vào năm Cảnh Hưng thứ 18 (1757).

-Bản A. 2107: Bản này ghi tên sách là Lĩnh Nam chích quái truyện, có ghi rõ là do Kiều Phú làm, nhưng trong sách không có bài Tựa của ông mà chỉ có bài Tựa của Kiều Phú. Một số tên truyện trong tập này có sửa đổi (thêm một hai chữ ở đằng trước) như: Chưng bính truyện, đổi là Lang Liêu chưng bính truyện, Tân lang truyện đổi là Cao Thị Tân lang truyện, Tây qua truyện đổi là Mai thị Tây qua truyện...
Ngoài ra, PGS. TS Nguyễn Đăng Na cũng cho biết ở Viện Sử học (Việt Nam) còn có bản Lĩnh Nam chích quái mang ký hiệu HV 486. Đây là bản chưa được Kiều Phú sửa chữa.

Vì lẽ ấy, theo nhà nghiên cứu Trần Văn Giáp, Lĩnh Nam chích quái không hẳn là sách của một hai tác giả nào, mà là một bộ sưu tập truyền thuyết, truyện cổ tích, do nhiều người nối tiếp nhau sưu tập, cải biên. Trần Thế Pháp, Vũ Quỳnh, Kiều Phú chỉ là những người đầu tiên làm việc đó. Trong số này, Trần Thế Pháp chỉ là lời “tương truyền”, văn bản không có gì chứng minh.

III. Nội dung:
Lĩnh Nam chích quái (bản cổ, tức bản A.33 ở Thư viện Khoa học Xã hội (Hà Nội) và bản HV 486 ở Viện Viện Sử học (Việt Nam) ) gồm 22 truyện.

Trong đó có những truyện thần thoại thời thái cổ như Truyện họ Hồng Bàng, Truyện Tản Viên, Truyện Đổng Thiên Vương...; có những truyện là sự tích thời Bắc thuộc như Truyện Việt tỉnh (Giếng Việt), Truyện Nam Chiếu...; có những truyện là thần tích thời Lý-Trần như Truyện Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không, Truyện Hà Ô Lôi... Lại có truyện hoặc gắn với nguồn gốc dân tộc Việt như Truyện họ Hồng Bàng, Truyện Ngư tinh, Truyện Hồ tinh, Truyện Mộc tinh...; hoặc có liên quan với những phong tục tập quán lâu đời của dân tộc Việt như Truyện bánh chưng, Truyện trầu cau...; hoặc có liên quan với những di tích văn hóa cổ đại của dân tộc Việt như Truyện rùa vàng, Truyện hai thần Long Nhãn và Như Nguyệt...; hoặc có liên quan với những nhân vật lịch sử như Truyện Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không, Truyện Dương Không Lộ, Nguyễn Giác Hải,...

Theo GS. Nguyễn Huệ Chi, Lĩnh Nam chích quái chủ yếu có nguồn gốc ở Việt Nam, nhưng do ảnh hưởng của sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, nên có một số truyện có nguồn gốc hoặc chịu ảnh hưởng từ nước ngoài. Như Truyện Giếng Việt chịu ảnh hưởng của truyện Trung Quốc, Truyện Dạ Xoa Vương chịu ảnh hưởng của văn hóa Chiêm Thành...Mặc dù vậy, tác phẩm vẫn có một ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng ý thức quốc gia dân tộc Việt...Đặc biệt, Lĩnh Nam chích quái có nhiều truyện mang những tư tưởng, tình cảm rất phóng khoáng. Quả đây là tấm gương phản chiếu đời sống tinh thần ở một thời kỳ mà mối quan hệ đạo lý giữa người với người còn cởi mở, chưa bị những khuôn sáo, tín điều gò bó quá chặt chẽ. Lại có những truyện chịu sự hạn chế của ý thức hệ phong kiến, nhất là các truyện do các soạn giả đời sau thêm vào. Song nhìn chung, toàn bộ tập truyện vẫn thấm nhuần một tinh thần nhân đạo chủ nghĩa của văn học dân gian. Có thể ít nhiều thấy được ở đó thái độ yêu ghét của nhân dân: yêu chính nghĩa, ghét phi nghĩa, yêu điều thiện, ghét điều ác, đề cao những mối quan hệ tốt đẹp thủy chung giữa người và người (Từ điển văn học, bộ mới, tr. 861).

IV. Mục lục:
Dưới đây là mục lục tác phẩm Lĩnh Nam chích quái theo bản HV 486 của Viện Viện Sử học (Việt Nam), gồm 22 truyện, tức là bản chưa bị Kiều Phú và các người khác sửa chữa, bổ sung.

Quyển I
1. Họ Hồng Bàng
2. Ngư tinh
3. Hồ tinh
4. Mộc tinh
5. Trầu cau
6. Đầm nhất dạ
7. Đổng Thiên Vương
8. Bánh chưng
9. Dưa hấu
10. Bạch trĩ

Quyển II
11. Lý Ông Trọng
12. Việt tỉnh
13. Rùa vàng
14. Man nương
15. Thần núi Tản Viên
16. Hai thần Long Nhãn và Như Nguyệt
17. Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không
18. Nam Chiếu
19. Sông Tô Lịch
20. Dương Không Lộ, Nguyễn Giác Hải
21. Hà Ô Lôi
22. Dạ Xoa Vương [8].

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.

Chú thích:
1. Lĩnh Nam là vùng đất phía nam núi Ngũ Lĩnh trong truyền thuyết xưa ở Việt Nam và Trung Quốc. Truyền thuyết và vùng đất này có thể liên quan đến giai đoạn Hồng Bàng trong lịch sử Việt Nam.
2. Theo GS. Kim Định, thì vấn đề đặt ra là tác giả đã dùng chữ nào: "trích" hay "chích", vì các bản có cả hai chữ, và cả hai đều có nghĩa: nếu "chích" là hái quả, thu lượm; thì "trích" cũng có nghĩa như vậy. Từ Nguyên định nghĩa chữ "trích" là dùng tay mà lấy như hái dưa hái trái (thủ thủ dã như trích qua, trích quả). Như vậy, nói "chích" hay "trích" không quan trọng, có chăng là chữ "trích" còn hàm ý "trích" từ sách khác nữa, nên nghĩa rộng hơn vì vừa thua lượm vừa trích từ sách khác. Tác giả Trần Đình Hoành cũng cho rằng trích hay chích đều được, vì đều có nghĩa là “lấy ra một phần” .
3. Đặng Minh Khiêm là người Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ông sống vào khoảng thế kỷ 15-16, thi đỗ hoàng giáp năm 1487, từng viết Đại Việt sử ký và Vịnh sử thi tập.
4. Vũ Quỳnh  (1452-1516) là người Hải Dương, đỗ tiến sĩ năm 1478 đời vua Lê Thánh Tông. Ông là một trong những người đóng góp xây dựng bộ quốc sử Việt Nam, bộ Đại Việt sử ký toàn thư.
5. Nhuận chính hay nhuận sắc đều có nghĩa là sửa, trau chuốt cho hay thêm một áng văn.
6. Kiều Phú (1447-?), tự Hiếu Lễ, hiệu Ninh Sơn, là người làng Lạp Hạ, phủ Quốc Oai (nay thuộc thành phố Hà Nội). Ông đỗ tiến sĩ khoa Ất Mùi (1476) niên hiệu Hồng Đức thứ 6. Trước giữ chức giám sát ngự sử xứ Kinh Bắc, sau giữ chức tham chính tại triều (theo Trần Văn Giáp, sách ở mục tham khảo, tr. 1115).
6. Đặng khoa bị khảo, phần huyện An Sơn, tỉnh Sơn Tây (dẫn theo Trần Văn Giáp, tr. 1103).
7. Vũ Quỳnh, Kiều Phú: Lĩnh Nam chích quái, do Đinh Gia Khánh-Nguyễn Ngọc San phiên dịch, chú thích & giới thiệu. Nhà xuất bản Văn hóa, Hà Nội, 1960.
8. Có sách đề chữ “truyện” ở đằng trước. Ở đây ghi theo sách Văn học thế kỷ X-XIV do PGS. TS. Nguyễn Đăng Na làm chủ biên (tr. 384-433).

Sách tham khảo:
-Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí (Tập 3, bản dịch). Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1992.
-Trần Văn Giáp, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm (Tập 1 và Tập 2 in chung), Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2003.
-Nguyễn Đăng Na (chủ biên), Văn học thế kỷ X-XIV. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2004.
-Nguyễn Huệ Chi, mục từ "Lĩnh Nam chích quái" trong Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.
-Nguyễn Đăng Na, Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại (Tập 1, mục “Lĩnh Nam chích quái lục”). Nhà xuất bản Giáo dục, 1997.

Ảnh:
Lĩnh Nam chích quái liệt truyện, bản chép tay lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét